Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 4.000 ha hạt tiêu bị sâu bệnh gây hại, chủ yếu là bệnh nấm, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ, dẫn đến vàng, rụng lá với mật độ từ 13 đến 17% diện tích, thậm chí có những cây chết rũ.
Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các vùng trồng tiêu ở Tây Nguyên, gồm huyện Đắk R’Lấp, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; huyện Krông Búc, Ea H’Leo tỉnh Đắk Lắk; huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, tỉnh Gia Lai và các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy tỉnh Kon Tum.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, căn bệnh ở cây tiêu đã diễn ra từ nhiều năm nay. Viện Bảo vệ thực vật đã về nghiên cứu và đưa ra quy trình phòng trừ bệnh. Quy trình này đã được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp để phổ biến cho người sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Luyện cho biết: “Tỉnh thường xuyên mở các lớp bảo vệ thực vật, tập huấn cho nông dân các vùng trồng tiêu trọng điểm và có nguy cơ, nên người dân cũng có biện pháp phòng trừ. Cây hạt tiêu chủ yếu bị hại rễ vừa tuyến trùng vừa nấm, vùng trồng tiêu nào cũng lác đác bị. Xảy ra hiện tượng này là do người dân trồng tiêu ở vùng đất thấp thoát nước kém, bón nhiều phân vô cơ, đặc biệt nếu đã bệnh mà còn xới xáo gốc nhiều thì bệnh càng nặng”./.