Tại Việt Nam, kênh thương mại truyền thống (GT) đang chiếm tỉ trọng 90% toàn ngành bán lẻ. Đa số nhu cầu nhu yếu phẩm sử dụng hằng ngày được phục vụ qua kênh GT, quy mô nhỏ lẻ và chưa được chuẩn hóa. Mặt khác, do sự phân tán và quy mô nhỏ của hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng và nhà sản xuất đang phải trả chi phí logistic (chuỗi cung ứng) cao hơn.
Cụ thế, chi phí cho logistic hiện nay tại Việt Nam đang chiếm 17%. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 13% và Mỹ là 8%. Ngay cả trong lĩnh vực tài chính, hơn một nửa dân số Việt Nam đang sinh sống ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản.
Tháng 6/2020, Masan đã thành lập The CrownX, công ty hợp nhất mảng bán lẻ VinMart/VinMart+ và hàng tiêu dùng MasanConsumerHoldings. Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2021, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX, đã chia sẻ về chiến lược phát triển 2021 – 2025 của công ty này.
“Mười năm trước, chúng tôi không biết kênh trực tuyến là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác hoạ được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào”. Trong đó, trực tuyến không phải là một mảng kinh doanh độc lập mà nằm trong cùng một nền tảng tích hợp với các điểm bán hiện hữu (offline) của Masan”, ông Thắng tiết lộ.
Phục vụ nhu yếu phẩm – các sản phẩm chiếm phần lớn trong chi tiêu tiêu dùng với tần suất sử dụng mỗi ngày là đích đến mà nền tảng bán lẻ Point of Life của Masan đang hướng đến. Sau đó, nền tảng này sẽ mở rộng ra phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác như tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe…
Hệ thống phân phối lớn nhất cả nước với hơn 3.000 điểm bán hiện nay, và dự kiến lên đến hơn 30.000 điểm bán vào năm 2025, là lợi thế để Masan gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Kết hợp bán lẻ và dịch vụ tài chính chiếm đến 50% ngân sách tiêu dùng có thể mang lại cho Masan nền tảng ổn định và khả năng gia tăng quy mô để thu hút khách hàng trung thành mà không "đốt" tiền.
"Chúng tôi không tin tưởng vào mô hình thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Thay vào đó, chúng ta tin vào mô hình kinh doanh đột phá có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và các nhãn hiệu mạnh để mang đến cho người tiêu dùng nhiều giá trị hơn", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group khẳng định.
Hiện nay, “ông lớn” bán lẻ tiêu dùng này đang xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và con số này sẽ tăng gấp 5-10 lần vào 2025. Khối lượng giao dịch lớn sẽ cung cấp cho Masan nguồn dữ liệu quý giá để thấu hiểu người tiêu dùng tốt hơn, từ đó càng phát huy hơn nữa thế mạnh R&D và xây dựng thương hiệu.
“Tôi tin rằng chúng ta đã có những mảnh ghép chiến lược để hiện thực hóa mô hình này ở Việt Nam. Minh chứng đầu tiên về nền tảng "Point of Life" sẽ diễn ra trong năm nay 2021. Chúng ta sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số”, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Trong năm 2020, VinCommerce (VCM) đã thực hiện hàng loạt biện pháp để cải thiện lợi nhuận như đóng cửa các điểm bán không đạt chỉ tiêu kinh doanh, tinh gọn danh mục sản phẩm, tập trung vào hàng hóa tươi sống với tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng”, thay đổi cách thức bày trí cửa hàng, đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp... Các nỗ lực này đã phát huy hiệu quả khi VCM lần đầu ghi nhận EBITDA dương 0,2 % trong quý IV/2020 với lợi nhuận 16 tỷ đồng và đang trên đà đạt EBITDA dương cho cả năm 2021.
Masan đang đặt ra “lợi ích kép” cho hệ thống bán lẻ của mình và các đối tác. Bởi vì, tối ưu hóa hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng, thương hiệu của các nhà sản xuất sẽ được phủ rộng rãi hơn ở khắp các kênh, từ đó hàng hoá chắc chắn sẽ bán được nhiều hơn, lượng tiền để xoay vòng cũng tốt hơn không phải nằm nhiều ở hàng tồn kho như trước.
Thực hiện tốt điều này, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% và đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ./.