Tập đoàn ô tô Toyota (Nhật Bản) đang đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thành phố thông minh. Họ đang thực hiện dự án đầy tham vọng: Xây dựng "Woven City" - thành phố kết nối toàn diện, lấy con người làm trung tâm ở chân núi Phú Sĩ.
Cái tên "Woven City" (tạm dịch: Thành phố Dệt) bắt nguồn từ cả ý tưởng và thiết kế của thành phố thông minh này, với 3 loại đường được "đan xen" với nhau trên mặt đất, trong đó một đường dành cho lái xe tự động, một đường dành cho người đi bộ và một đường dành cho các phương tiện di chuyển cá nhân. Một con đường ngầm cũng được xây dựng để vận chuyển hàng hóa, nhằm không làm ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác.
Ông James Kuffner, giám đốc kỹ thuật số của Toyota, cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến người ta suy nghĩ lại về cách con người di chuyển và sinh hoạt, đồng thời củng cố nhu cầu tạo ra công nghệ hỗ trợ cuộc sống "hạnh phúc, khỏe mạnh" của con người.
Đối với các quốc gia như Nhật Bản, nhiệm vụ cấp bách là phải giải quyết những thách thức trong xã hội như vấn đề di chuyển và sống lành mạnh. Tại Woven City, xe buýt tự hành sẽ vận chuyển người dân và những ngôi nhà thông minh có cảm biến sẽ kiểm tra sức khỏe của người dân.
Tính bền vững cũng là một chủ đề quan trọng khác trên toàn cầu trong nỗ lực khử carbon để đưa mức phát thải ròng CO2 về 0 vào năm 2050.
"Nếu chúng tôi có thể xây dựng thứ gì đó có giá trị ở một nơi như Nhật Bản, tôi nghĩ nó có thể cũng có giá trị ở mọi nơi" - ông Kuffner nói.
Ngay sau lễ động thổ vào tháng 2/2021, công tác xây dựng Woven City đã bắt đầu vào tháng 3. Woven City đang được xây dựng tại khu đất rộng khoảng 70 hecta của một nhà máy Toyota vừa đóng cửa ở tỉnh Shizuoka, miền trung Nhật Bản.
Theo Toyota, Woven City sẽ đóng vai trò như "phòng thí nghiệm sống" cho các phương tiện tự lái, robot giao hàng, nhà ở thông minh và trí tuệ nhân tạo.
Những chiếc ô tô không người lái sẽ chiếm phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông của dự án, cung cấp khả năng chia sẻ phương tiện di chuyển, cũng như hoạt động như phương tiện giao hàng.
Ngoài ra, đường phố sẽ được bao phủ bởi các cảm biến để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tự hành. Những phương tiện này có thể thực hiện các nhiệm vụ như đổ rác và thậm chí nhắc nhở người dân về các cuộc hẹn với bác sĩ.
Thành phố này dự kiến sẽ mở cửa một phần vào năm 2024. Ban đầu thành phố sẽ có khoảng 360 cư dân như người cao tuổi, gia đình có trẻ em và các nhà phát minh. Sau đó, số cư dân dự kiến sẽ tăng lên hơn 2.000, trong đó có nhân viên của Toyota.
Toyota đã cho phép nhiều đối tác tham gia dự án này. Tính đến tháng 6/2021, Toyota đã nhận được hơn 4.700 đơn đăng ký của các công ty và cá nhân đến từ các lĩnh vực như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Ông Kuffner mô tả dự án này là "độc nhất vô nhị", vì nó cho phép những người có ý tưởng sáng tạo thử nghiệm các công nghệ mới trên quy mô lớn, nhận phản hồi từ cư dân và cải thiện chúng.
Toyota có kế hoạch sử dụng năng lượng hydro cho toàn bộ hệ sinh thái trong Woven City. Họ đã nhất trí với công ty năng lượng Nhật Bản Eneos về việc hợp tác hướng tới hiện thực hóa chuỗi cung ứng hydro, từ sản xuất và phân phối đến sử dụng tại chỗ.
Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại về lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ được thu thập thông qua cảm biến và các thiết bị khác. Bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư được coi là những rào cản cần giải quyết trước khi lập các cộng đồng áp dụng công nghệ thành phố thông minh.
Về vấn đề này, ông Kuffner cho biết Woven City sẽ có "những kiến trúc được cân nhắc rất kỹ lưỡng" để đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật tốt./.