UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau dịch bệnh, Bình Dương sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tổ chức Brainport, EIPO, quyết tâm triển khai Đề án Thành phố thông minh như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau “làn sóng” COVID-19.
Khởi động các dự án
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex cho biết, một trong những nội dung trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh là quy hoạch Vùng Đổi mới sáng tạo để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Đề án cũng như Vùng Đổi mới sáng tạo sẽ phát triển dựa vào mô hình hợp tác chặt chẽ 3 nhà: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường; tập trung triển khai mô hình 5 lớp.
Lớp thứ nhất là quy hoạch đô thị và giao thông tập trung theo mô hình TOD. Với mô hình này, Tổng công ty Becamex IDC chuẩn bị khởi công điểm TOD đầu tiên của Bình Dương tại vòng xoang thành phố mới Bình Dương. Sau đó, nhiều điểm TOD tiếp theo sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành - Suối Tiên. Các dự án tiếp theo sẽ là cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 13 bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến để giải "bài toán" ùn tắc giao thông.
Lớp thứ 2, Bình Dương sẽ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo lấy trường Đại học Quốc tế Miền Đông làm trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Đại học Quốc tế Miền Đông hiện có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Để phát triển kinh tế cân bằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới, đây là lớp thứ 3 nằm trong mô hình 5 lớp. Bình Dương đang tập trung xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương- "cánh cửa" giúp Bình Dương giao thương với 230 trung tâm Thương mại thế giới trên toàn cầu.
Lớp thứ 4 là phát triển công nghiệp. Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0.
Phát triển nguồn nhân lực là lớp quan trọng nhất trong mô hình 5 lớp. Nguồn nhân lực luôn quan trọng và quyết định sự thành công của mọi chiến lược, bởi vậy chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong việc triển khai và phát triển Đề án Thành phố thông minh.
Để một đô thị thông minh hay thành phố thông minh phải thỏa mãn được 3 yếu tố kết nối, gồm: Kết nối hạ tầng; kết nối xã hội và kết nối công nghệ.
Tập trung nguồn lực xây dựng thành phố thông minh
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đề án Thành phố Thông minh sớm trở thành hiện thực. Đây cũng "đòn bẩy" rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương sau đại dịch COVID-19.
Người đứng đầu tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Ban điều hành thành phố thông minh, sở ban ngành liên quan phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC, doanh nghiệp, viện trường nhanh chóng tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của Đề án Thành phố Thông minh, như: Khu công nghiệp khoa học công nghệ; Trung tâm Thương mại thế giới WTC; Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Quyết tâm hoàn thiện, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của từng ngành để làm nền tảng xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, hoàn thành trước 6/2022. Từng ngành, huyện, thị xã, thành phố phối hợp quyết tâm triển khai số hóa, cải cách hành chính trước ngày 1/1/2022 không còn thủ tục hành chính giấy.
Ban điều hành Thành phố thông minh tiếp tục tổ chức các sự kiện tầm vóc thế giới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Eindhoven, Brainport Hà Lan, Daejeon Hàn Quốc, ICF, Horasis, Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới… cũng như kết nối với các thành phố, tổ chức khác. Thông qua Vùng Đổi mới sáng tạo, duy trì, giữ vững Top 21, Top 7 của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), vươn đến các danh hiệu quốc tế và gia nhập các hiệp hội toàn cầu khác.
Được biết, thành phố thông minh là một đề án được tỉnh Bình Dương khởi động từ năm 2016. Sau 5 năm phát triển, ngày 1/7 vừa qua, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công nhận Vùng thông minh Bình Dương trong TOP 7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021./.