Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Phan Tâm, Việt Nam hiện có 250 trường đại học và cao đẳng, 164 trường dạy nghề có đào tạo về công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) cùng hàng trăm cơ sở đào tạo, sát hạch chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT). Chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 68.000 và dạy nghề là 18.000 học viên.

vov_nhan_luc_ict_ldiz.jpg
Tọa đàm tại hội thảo "Hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam – Australia" diễn ra chiều 16/5. (Ảnh: Vân Anh).

Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ cần 400.000 nhân lực CNTT. Đây là con số khiến không ít doanh nghiệp đau đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định "nguồn nhân lực về CNTT đang thiếu cả lượng và chất, thể hiện ở tỷ lệ kỹ năng cần thiết của lao động Việt Nam khá yếu, năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhất là so với Singapore".

Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ đã thiếu lại còn yếu. Cụ thể như Intel có năm nhận 100 hồ sơ nhưng chỉ xét tuyển được 8-10 người.

Bà Đặng Thị Thanh Vân, Tổng Giám đốc Savvycom cũng cho biết, đơn vị này đã từng phỏng vấn 20 người mà chỉ tuyển dụng 2-3 người. Đó chỉ là các vị trí thông thường. "Trong trường hợp chúng tôi muốn tìm nhân lực cho vị trí cao hơn, như dùng công nghệ thông tin phân tích kinh doanh, thì rất khó khăn và buộc phải đặt hàng, nhờ các giảng viên tìm sinh viên ưu tú", bà Đặng Thị Thanh Vân nói.

Theo nhiều chuyên gia, cả số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin-viễn thông (ICT) buộc phải nâng cao để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt ra mục tiêu chuyển đổi số, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiến sĩ Josiah Poom, Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Sysney, Australia gợi ý, Việt Nam cần phải đào tạo thêm kỹ năng mềm cho sinh viên như các kỹ năng về xã hội, mở rộng mạng lưới, ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình dự án… Đây là những yếu tố không thể thiếu trong làm việc thực tế dù ở bất cứ lĩnh vực nào.

Chương trình STEM giúp khơi gợi niềm đam mê khoa học ngay từ lứa tuổi còn nhỏ. (Ảnh: Vân Anh).

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, các cơ quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên sâu về ICT để thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi trong kỷ nguyên kinh tế số.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế.

Các trường đại học phải thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đơn vị giáo dục nước ngoài có kinh nghiệm để giúp đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…/.