Theo đánh giá của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường.

nhan_luc_ai_1_fnss.jpg
Nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực đáp ứng. (Ảnh: KT).

Đặc biệt từ năm 2013 trở lại đây, cứ mỗi năm, đầu tư vào các startup AI tăng gấp đôi. Trong các công nghệ AI hiện nay, đột phá lớn nhất là công nghệ nhận diện hình ảnh, giọng nói và ngôn ngữ tự nhiên. Trong đó, riêng công nghệ nhận diện hình ảnh đã có tốc độ tăng trưởng kỳ diệu khi mới đây công ty Nvidia đã tạo dựng nên những khuôn mặt giả lập bằng AI chân thật đến không ngờ.

Giới chuyên gia nhận định, đây là cơ hội cho Việt Nam. GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam đã bắt đầu hình thành AI startup, đặc biệt trong lĩnh vực fintech. Về chương trình đào tạo, môn trí tuệ nhân tạo đã được quan tâm và giảng dạy từ những năm 1975-1977. Đến nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã xây dựng các chương trình giảng dạy AI đối với các cấp đại học, sau đại học, hướng tới đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp.

Báo cáo thị trường công nghệ thông tin (CNTT) và nhân lực CNTT Việt Nam do nền tảng tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin TopDev vừa công bố cũng cho thấy, mức lương của các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam lên đến 22.000 USD, tương đương hơn 510 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức lương thuộc nhóm cao nhất trong các lĩnh vực của ngành CNTT.

Những hình ảnh khuôn mặt do AI tạo lập nên. (Ảnh: The Verge).

Nguyên nhân của mức lương này là do xu hướng ứng dụng AI đang tăng mạnh nhưng số lượng các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực AI cực khan hiếm.

Cũng theo TopDev, tại thị trường Việt Nam, hiện có rất nhiều startup lớn nhỏ phát triển các dự án tiềm năng liên quan trực tiếp đến AI và Máy học (Machine Learning). Vì vậy nên mức lương cũng như độ "hot" của các kỹ sư AI sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

Nền tảng này cũng đánh giá thiếu hụt nhân sự là vấn đề đối với toàn bộ thị trường CNTT chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực AI.

Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân lực IT Việt Nam của TopDev được thực hiện dựa trên thông tin thu thập từ hơn 100.000 dữ liệu việc làm trong năm 2018 và có trên 15.000 ứng viên tham gia.
Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, có không ít thách thức đối với triển khai AI tại Việt Nam liên quan đến vấn đề vốn, vật liệu…

Ước tính hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam về AI hiện vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương gần 150 triệu USD. Nếu cộng thêm cả đầu tư của các tập đoàn lớn như Viettel, FPT… thì cũng chỉ được vài trăm triệu USD, con số này là quá nhỏ và ít ỏi so với nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam còn dàn trải. Nhiều chuyên gia kiến nghị, với điều kiện kinh phí còn hạn hẹp Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhận định, dữ liệu, thuật toán và con người, đó là 3 yếu tố tiên quyết để tạo ra sản phẩm AI có chất lượng cao. Nhất là với yếu tố con người, cần phải "đào tạo thêm" sau khi ra trường bởi vẫn còn khoảng cách giữa năng lực của họ với yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, hơn lúc nào hết, những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn.

"Lần này, chúng ta sẽ tập trung nguồn lực rất lớn, bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó huy động nguồn lực để xây dựng chương trình nghiên cứu phát triển AI", ông Bùi Thế Duy khẳng định./.