Theo kế hoạch từ ngày 11/2/2017, mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ được điểu chỉnh bằng cách thêm đầu số 2 trước dãy số hiện tại. Việc này gây nên nhiều bất tiện cũng như thiệt hại cho các cơ quan, doanh nghiệp. Họ không những phải thay đổi sản phẩm có in số điện thoại mà còn phải chủ động liên hệ với các đối tác kinh doanh để thông báo về việc đổi mã vùng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Thiên, văn phòng đại diện ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có hàng chục sản phẩm chế biến từ gạo, thức ăn thủy hải sản, gia súc sử dụng bao bì số lượng lớn. Công ty vừa chi cả tỷ đồng để in ấn hàng trăm nghìn bao bì cho kế hoạch sản xuất thời gian tới. Trên bao bì, ngoài tên công ty, chi tiết không thể thiếu được là số điện thoại cố định. Không đơn giản là dùng để liên lạc, số điện thoại cố định còn là số định danh của công ty, giúp tạo niềm tin cho khách hàng.
Ông Nguyễn Thiên Phước, Phó Giám đốc công ty này cho biết: Thay đổi mã vùng điện thoại trong vòng vài tháng nữa, đồng nghĩa với việc phải bỏ toàn bộ số bao bì công ty vừa sản xuất, sẽ rất lãng phí.
Nhiều doanh nghiệp khác cho biết họ sẽ bị thiệt hại khá lớn không chỉ về tài chính mà còn là vấn đề uy tín và thương hiệu kinh doanh. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, khi đổi mã vùng điện thoại, họ sẽ phải thông báo cho các đối tác nhưng vẫn lo sợ mất mối khách hàng. Nghiêm trọng hơn là mất uy tín trên thương trường.
Ông Lê Minh Phong, Giám đốc Công ty đầu tư xuất nhập khẩu Việt – Nhật cho rằng, nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua được số điện thoại đẹp và ý nghĩa để làm đường dây nóng hay số tổng đài, nếu đổi mã vùng thì những số này không còn giá trị.
Nhiều doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong in ấn, triển khai kế hoạch quảng bá thương hiệu. Bên cạnh những doanh nghiệp vẫn chọn cách in cũ, khi nào chuyển mã vùng mới rồi tính tiếp, thì một số khác lại chọn cách an toàn hơn là chỉ in địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, website và số điện thoại di động, không đưa số fax và số điện thoại cố định lên các sản phẩm in ấn để tránh thiệt hại khi thay đổi mã vùng.
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dịp cuối năm, doanh nghiệp không thể không in lịch, catalog, bảng hiệu hay quà tặng cho nhân viên và khách hàng. Nhưng năm nay, công ty này chỉ in chung chung, không in số điện thoại cố định. Hiện công ty này cũng tạm ngưng các kế hoạch marketing.
Để hạn chế thiệt hại từ việc đổi mã vùng điện thoại cố định, phần lớn doanh nghiệp đều chọn giải pháp thông báo tới khách hàng bằng hình thức gửi văn bản, viết mail. Thậm chí là gọi điện hoặc nhắn tin. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị trước khi chuyển đổi mã vùng số điện thoại.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết quy trình chuyển đổi mã vùng được tiến hành theo 4 bước gồm: thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm chuyển đổi tối thiểu 60 ngày, thực hiện việc quay số song song trong 30 ngày từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi, duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian cho phép sử dụng cả 2 mã vùng và thời gian có âm báo khi quay mã vùng cũ nếu tổng cộng chỉ có 60 ngày là chưa đủ. Theo TS. Hiếu, một sự thay đổi lớn như vậy cần phải có thời gian lâu hơn, khoảng 3 tháng.
Chuyển đổi mã vùng điện thoại là một sự thay đổi lớn, có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, người trong cuộc mong muốn có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ càng, trước khi chính thức chuyển đổi sang mã vùng số điện thoại mới./.Những thiệt hại do thay đổi mã vùng điện thoại