Thành công bước đầu trong việc ứng dụng các công nghệ đã hỗ trợ tốt hơn người dân và du khách khi tra cứu thông tin, tiếp cận các dịch vụ công một cách hiệu quả và tiện ích nhất.

vov_tri_tue_nhan_tao_o_da_nang_cbxm.jpg
Du khách thích thú khi ứng dụng Chatbot để tra cứu thông tin về địa điểm du lịch, ăn uống, giải trí tại thành phố Đà Nẵng.

Với giao diện dễ sử dụng, Chatbot Danang Fanstaticity đã trở nên gần gũi với người dân và du khách khi đến thành phố Đà Nẵng. Đây là sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp trên nền tảng mạng xã hội Facebook, tương thích với tất cả các loại điện thoại thông minh. Người dùng có thể tiếp cận Chatbot bằng thao tác đơn giản là quét mã Messenger Code hoặc truy cập link: m.me/visitdanang để tương tác và trải nghiệm với Chatbot.

Ông Mike Johnson, du khách người Anh rất thích thú khi sử dụng ứng dụng Chatbot để tra cứu những thông tin về thành phố Đà Nẵng. Ông chia sẻ "ứng dụng này rất tốt và hữu ích cho du khách nước ngoài như tôi. Tôi dễ dàng tìm thấy thông tin về du lịch, địa chỉ ăn uống, mọi thông tin về Đà Nẵng. Ứng dụng này là người bạn đồng hành tuyệt vời với tôi".

Ngành du lịch là một trong những đơn vị tiên phong ở thành phố Đà Nẵng ứng dụng công nghệ Chatbot. Sở Du lịch Đà Nẵng hợp tác với Công ty cổ phần công nghệ Hekate xây dựng, phát triển và thí điểm kênh tra cứu thông tin du lịch tự động với tên gọi Chatbot Danang Fanstaticity.

Từ khi ra mắt vào tháng 4/2018 đến nay, ứng dụng này đã hỗ trợ hơn 21.000 lượt người với gần 286.000 tin nhắn. Qua đó, giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận các thông tin cần hỗ trợ.

Bà Võ Thị Ngân Hà, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, ứng dụng này luôn được cập nhật và phát triển thêm nhiều tính năng mới, kết nối người dùng với các kênh thông tin du lịch.

"Trong tương lai, đơn vị chúng tôi sẽ cùng với Hekate sẽ cố gắng phát triển thêm nhiều ngôn ngữ, không chỉ là Anh,Việt mà sẽ thêm các tiếng Hàn, Nhật, Trung… Các thị trường du khách đến thành phố Đà Nẵng rất đông. Chúng tôi sẽ phát triển thêm các ngôn ngữ đó để phục vụ tốt hơn khách du lịch trong tương lai", bà Ngân Hà cho hay.

Đà Nẵng ứng dụng trí tuệ nhân tạo xây dựng thành phố thông minh mang lại tiện ích cho người dân và du khách.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dịch vụ công thành phố Đà Nẵng cho rằng, ứng dụng chatbot có thể cung cấp thông tin về tình trạng xử lý hồ sơ, hành trình xe buýt, xe vi phạm giao thông, an toàn thực phẩm, tra cứu, giải đáp các thông tin về thủ tục hành chính… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả tư vấn, giải đáp của Tổng đài dịch vụ công.

Ông Nguyễn Văn Quốc nhận định, trong giai đoạn 2, làm sao để trí tuệ nhân tạo - AI có thể hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt. Với tiếng Anh thì đã có nhiều nghiên cứu nhưng tiếng Việt thì vẫn còn là lĩnh vực mới đối với AI.

"Chúng ta làm sao để AI hiểu được người dân đang muốn phản ánh việc này, hoặc là người dân muốn hỏi về một việc không có trong cơ sở dữ liệu thì làm thế nào? Vấn đề này, chúng tôi muốn đặt ra để các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ có thể hỗ trợ thêm", ông Quốc nêu ý kiến.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng bắt đầu xây dựng thành phố thông minh từ năm 2014, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính quyền, đời sống kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh cơ bản.

"Các xu thế liên quan đến di động và cách tiếp cận của người dân với công nghệ bây giờ rộng khắp. Thứ hai là sự sẵn sàng về cơ sở dữ liệu của thành phố rất nhiều. Thứ ba là những hệ thống tính toán mà Nhà nước có thể đầu tư bây giờ đã rẻ hơn nhiều. Nên việc đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào đời sống rất khả thi ngay tại thời điểm bây giờ, ngay cả với địa phương có tiềm lực còn hạn chế như Đà Nẵng", ông Lê Sơn Phong nhấn mạnh./.