Hạ tầng số (cơ sở dữ liệu) được ví như nền móng của một công trình, phải chắc chắn và làm đúng thì mới xây dựng được hay nói cách khác muốn xây dựng được kinh tế số, chính phủ số thì bắt buộc phải có hạ tầng số tốt.
Cơ sở dữ liệu được cho là yếu tố quyết định thành - bại nền kinh tế trong CMCN 4.0. (Ảnh minh họa: KT). |
Tuy nhiên, theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Viện John von Neuman, tại Việt Nam, hạ tầng số chưa được đánh giá đúng cũng như nhận thức đầy đủ như hạ tầng vật lý. Bên cạnh đó, dữ liệu quốc gia, địa phương... so với quy định chung còn thiếu chất lượng và sự chia sẻ rất hạn chế; Thiếu hành lang pháp lý, nhân lực số cả diện rộng lẫn diện tinh nhuệ, tinh hoa...
Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Viện John von Neuman. |
Ví như muốn dự báo nhu cầu nhân lực, nghề nghiệp, quy mô lao động ngành nghề ra sao, không thể dựa vào dữ liệu của một mình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để ra được một dự báo này đòi hỏi dữ liệu từ nhiều bộ, ngành.
"Để làm hạ tầng số, Việt Nam cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa, quyết tâm cao, cách làm hiệu quả như kết nối liên thông nhưng phải kèm với chia sẻ dữ liệu. Để thực hiện chia sẻ dữ liệu thì phải có luật. Do đó, cần sớm có chuẩn cơ sở để hạ tầng số thực hiện được và không làm sai dẫn đến phải sửa lại mất thời gian, tiền bạc", Giáo sư Hồ Tú Bảo phân tích.
Lý giải về thực trạng cơ sở dữ liệu chưa hiện nay, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, cơ sở dữ liệu của chúng ta do quá trình xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau và theo cách cộng dồn, cho nên chưa kết nối, liên thông với nhau, thậm chí trùng nhau khiến việc tạo lập, quản lý dữ liệu chưa hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới là nền kinh tế số - nền công nghiệp lần thứ 4, trong đó có nội hàm quan trọng nhất là một nền kinh tế mới với tài sản mới là tài sản số.
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT |
"Tài sản mới này đi kèm toàn bộ luật lệ, chính sách mới để xác định rằng thế nào là tài sản số và ai được sở hữu tài sản số này? Điều này cũng kiến tạo ra các giai đoạn mới của nền kinh tế số", ông Trung cho hay.
Ông Trung nhận định, nếu không có khái niệm tài sản số chúng ta sẽ không làm được gì cả. Cần hình dung môi trường mới trong đó có dạng tài sản số thì việc giao tài sản này cho ai, ai là người có quyền sử dụng nó sẽ là một vấn đề rất lớn mà Luật cần phải thay đổi. Với những khái niệm mới này cần phải có sự chuẩn bị tốt về luật.
Cũng theo ông Trung, dữ liệu cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta quy định rõ các dữ liệu nào là mật, dữ liệu nào có thể công bố thì doanh nghiệp, thậm chí là người dân có thể khai thác và tạo ra rất nhiều lợi ích khác cho đất nước.
Ông Trung nêu ví dụ, chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch thông minh, các doanh nghiệp có dữ liệu về du lịch, thì năng suất tăng gấp 3 lần các doanh nghiệp khác, kể cả sử dụng nền tảng công nghệ. Tương tự như thế trong các lĩnh vực khác cũng vậy.
Ông Trung cho rằng, trong quản lý cần minh bạch các chỉ số; đồng thời, phải có chính sách bảo vệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan quản lý cần kiến tạo ra kinh tế số cho người làm công nghệ thông tin bằng câu chuyện về dữ liệu công. Nếu làm được điều đó nó sẽ tạo ra vô số các mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng tạo ra giá trị mới mà không cần đến nguồn chi ngân sách.
"Bộ Thông tin và Truyền thông nên dẫn đầu về việc đo đạc, kiểm tra dữ liệu về số hóa. Sau đó có những quy định, quy hoạch để các doanh nghiệp, cá nhân có thể sử dụng, khai thác nguồn dữ liệu này trong giai đoạn tới", ông Trung nhấn mạnh.
Dữ liệu thông tin đang trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, có sức mạnh nhất và có thể sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian, thời gian.
Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông 2018 (ICT Summit 2018), ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, cơ sở dữ liệu quốc gia cần được nhanh chóng xây dựng và phát triển thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, kết nối, phân tích, lưu trữ, tiếp cận và khai thác thông tin.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối theo chuẩn quốc tế mở. Đó sẽ là tiền đề cho nền kinh tế phát triển./.Thiếu dữ liệu quốc gia, dựa vào đâu để xây dựng Chính phủ điện tử?
Dữ liệu lớn - nguồn “dầu mỏ” mới của loài người