Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang đối mặt với "một phép thử lớn chưa từng có" liên quan tới dữ liệu người dùng.
Theo đó, 50 triệu thông tin khách hàng sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã bị tiếp cận một cách trái phép. Vụ bê bối trên đang làm dấy lên câu hỏi về cách thức kinh doanh thông qua việc khai thác dữ liệu người dùng của Facebook.
Hình thành thói quen thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. (Ảnh: KT). |
Vụ việc này được cho là có tác động đến 2 sự kiện chính lớn là bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và trưng cầu dân ý để nước Anh rời khỏi Châu Âu - Brexit. Giới chức Anh và Mỹ đang triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra thực hiện cam kết bảo mật thông tin của Facebook cũng như mục đích đằng sau nếu có của vụ việc này.
Nếu Facebook bị phát hiện phạm luật, ước tính sẽ bị phạt khoảng 40.000 USD cho mỗi trường hợp thông tin cá nhân bị chia sẻ trái phép. Như vậy, với 50 triệu tài khoản bị lộ lọt, Facebook có thể bị phạt tới 2.000 tỷ USD.
Trên thực tế, việc sử dụng Facebook hiện nay là hoàn toàn miễn phí, nhưng đổi lại theo quy định về thành lập tài khoản, người dùng Facebook sẽ phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình với Facebook và có thể là với cả các bên đối tác của trang mạng này. Rõ ràng đây là thỏa thuận win-win, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, với lượng dữ liệu 2,2 tỷ tài khoản như hiện nay, Facebook đang kinh doanh nó như thế nào?
Theo chuyên gia công nghệ, trên Facebook hiện có hàng nghìn ứng dụng và chúng không hoàn toàn "vô hại" như mọi người nghĩ. Người dùng cần thận trọng với những ứng dụng yêu cầu người dùng phải đăng nhập, vì thường có nhiều đòi hỏi quyền truy cập và đa số được thiết kế để lấy dữ liệu của người dùng.
Hiện, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook với khoảng 50 triệu tài khoản. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có hàng chục triệu người đối mặt với nguy cơ lộ thông tin cá nhân.
Theo kỹ sư Nguyễn Sơn Tùng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, qua theo dõi, giám sát, đơn vị phát hiện nhiều ứng dụng liên kết với các mạng xã hội sử dụng các hình thức quảng cáo, mời gọi người sử dụng tham gia vào các trò chơi đánh vào sự tò mò của mọi người. Tuy nhiên, những ứng dụng và trò chơi như vậy lại chính là những nguồn gây mất an toàn thông tin cho người dùng.
"Để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu, người dùng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter... người dùng Việt Nam cần hình thành thói quen sử dụng các trang mạng xã hội cẩn trọng hơn, tránh lộ lọt thông tin cá nhân của mình", ông Tùng nhấn mạnh.
Trước hết, người dùng có thể kiểm tra cài đặt quyền riêng tư và điều chỉnh hạn chế đến mức tối thiểu lượng thông tin chia sẻ công khai.
Nhiều ứng dụng liên kết với các mạng xã hội có tính năng thu thập thông tin cá nhân người dùng. (Ảnh: KT). |
Một số quảng cáo cũng có thể bao gồm các phần mềm độc hại, thu thập dữ liệu người dùng. Bạn không thể loại bỏ tất cả các quảng cáo nhưng có thể loại bỏ các quảng cáo không liên quan. Ngoài ra, trên hầu hết các trình duyệt hiện nay cũng đều có phần mềm chặn quảng cáo dưới dạng tiện ích mở rộng "Add-ons" để người dùng sử dụng.
Sắp tới, Cục An toàn thông tin sẽ ra mắt phiên bản chính thức của cổng khonggianmang.vn. Theo đó, Cục sẽ cung cấp những hướng dẫn, công cụ và tài liệu liên quan để hướng dẫn người dùng kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin của mình khi tham gia vào mạng internet. Từ đó, người dùng có sự hỗ trợ tốt hơn trong việc bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.
Hiện trên thế giới đang có làn sóng kêu gọi xóa tài khoản facebook trước vụ bê bối này, tuy nhiên trên thực tế, từ bỏ facebook cũng không hoàn toàn giải quyết được mối lo ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, trong thời đại kết nối internet như hiện nay sẽ luôn có những rủi ro và nguy cơ. Vì thế, người dùng nên tránh dễ dãi chia sẻ thông tin cá nhân, đồng thời thường xuyên cập nhật các biện pháp bảo mật./.Sự thật việc kiểm tra bảo mật tài khoản Facebook bằng cú pháp BFF
Facebook lên tiếng bác bỏ cáo buộc tiết lộ thông tin người dùng