Phát biểu tại hội thảo Quốc tế 4G/5G 2018 diễn ra ngày 6/4 tại Hà Nội, ông Jim Cathey, Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng Internet, mobile mạnh mẽ thời gian qua. Chỉ trong 18 tháng triển khai chính thức, kết nối 4G LTE đã đạt độ phủ 95% dân số Việt Nam.

vov_2_sdqp.jpg
Theo Qualcomm, 95% dân số Việt Nam được phủ sóng 4G LTE.

Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực số hóa, vật lý và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất và kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế.

Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng, phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm vừa qua tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong phát triển công nghệ CNTT-TT.

Ông Hải cho rằng, năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G, sự phát triển của các công nghệ này sẽ đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) cần có bước chuyển mình phù hợp, đồng thời có những phương án đầu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.

Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Cambodia, cuối năm 2019, trên thế giới, mạng 5G sẽ chính thức được thương mại hóa, vì vậy đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, thể hiện qua một vài số liệu thống kê như: có tới 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G…

Sự lớn mạnh nhanh chóng của hạ tầng mạng 4G LTE trong năm qua cũng như tiềm năng của thị trường 4G LTE trong một vài năm tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng 4.0 phát triển mạnh mẽ như: thanh toán và thương mại điện tử, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh, tự động hóa, máy hóa, ảo hóa, dịch vụ nội dung số, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến…/.

Các nhà mạng chạy đua phủ sóng 4G

Ba đại gia trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam gồm VNPT, Viettel và MobiFone đang chạy đua nước rút nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm 4G.