“Hội thảo trình diễn công nghệ 5G đầu tiên tại Việt Nam đã cho thấy ảnh hưởng công nghệ và tác động kinh tế của 5G trong các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, y tế, năng lượng và giao thông công cộng”, nhận định được đưa ra tại hội thảo trình diễn công nghệ 5G, hạ tầng mạng, vạn vật kết nối (IoT) và các giải pháp kinh doanh kỹ thuật số do Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), phối hợp với Công ty Ericsson Việt Nam và Myanmar tổ chức sáng 12/7 tại Hà Nội.

Sự kiện này là một phần trong cam kết của Công ty Ericsson đối với Việt Nam trong việc liên tục giới thiệu những sáng kiến mới nhất ủng hộ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khi Ericsson hiện là nhà cung cấp công nghệ băng rộng di động lớn nhất tại Việt Nam.

img_0057_thok.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo.
Hệ thống thử nghiệm 5G bao gồm tất cả chức năng cần thiết cho thử nghiệm tiền thương mại, những tính năng như điều hướng và theo dõi chùm sóng, MIMO đa người dùng, truyền dữ liệu từ nhiều trạm cho 1 máy đầu – cuối và thiết kế tối ưu hóa dữ liệu đường truyền. Tại cuộc trình diễn, tốc độ tín hiệu từ trạm phát đến thiết bị thu đã đạt đến tốc độ 5,75 GBIT/s ở chiều tải xuống.

Với ưu điểm có độ trễ cực thấp, tốc độ tín hiệu cực cao rất đáng tin cậy của công nghệ 5G, kết hợp với lưu trữ thông minh trên môi trường điện toán đám mây sẽ giúp tăng cường giao tiếp giữa người với các hệ thống máy móc thông minh. Các ứng dụng này có thế được sử dụng trong rất nhiều công việc đòi hỏi độ chính xác rất cao như phẫu thuật từ xa, quản lý tai nạn đường bộ và các tình huống mà sự có mặt của con người có thể không an toàn.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, hiện nay, người dân Việt Nam mong muốn có thể liên lạc truy cập nội dung một cách tức thời tại bất kỳ đâu. Khuynh hướng tiên phong của công nghệ viễn thông 5G không chỉ đáp ứng nhu cầu này mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là ngành sản xuất y tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thử nghiệm tốc độ băng thông của công nghệ 5G.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, xu hướng phát triển Cách mạng 4.0 đã và đang phát triển tại nhiều quốc gia, Việt Nam để thu được những thành tựu đó không thể không kể đến những đột phá và phát triển bùng nổ của thông tin di động băng thông rộng. Chính vì thể, sự hình thành và phát triển của công nghệ 5G sẽ là nền tảng tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực.

Được biết, hiện nay trên thế giới vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ 5G để đạt mục tiêu thương mại hóa vào cuối năm 2020. Thử nghiệm thương mại sẽ được tiến hành sớm nhất vào năm 2018 tại Olympic mùa Đông ở Seoul (Hàn Quốc) và tiếp tục thử nghiệm thương mại lần tiếp theo tại Olypic mùa Hè ở Nhật Bản vào năm 2020./.