Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII, sáng nay (23/4), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri tại trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã thông báo chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII. Dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 20/5/2015 và bế mạc vào ngày 25/6/2015. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 Dự án luật và 1 Nghị quyết, cho ý kiến 14 Dự án luật. Đồng thời, xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ, tiến hành giám sát tối cao "Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật".
Các cử tri Đại học Nông–Lâm Bắc Giang cho rằng: Trong xu thế phát triển hiện nay, các trường Đại học ở Việt Nam đang chuyển mô hình truyền thống sang mô hình trường Đại học dịch vụ, doanh nghiệp. Tức là có tính tự chủ cao, nguồn lực đầu tư đa dạng, có mối quan hệ doanh nghiệp và kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cơ bản các trường vẫn đào tạo những gì mình có, chưa chú trọng đào tạo nhân lực đáp ứng thị trường lao động. Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước và các bộ ngành có liên quan có chính sách thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cử tri Trần Văn Châu kiến nghị có chính sách khuyến khích người học và các trường trong khối nông lâm phát triển. Đề cập vấn đề xuất khẩu gạo, cử tri Nguyễn Tuấn Điệp, Phòng Khoa học và Hợp tác nêu ý kiến: “Những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực, trong khi đó địa phương nơi có rừng đầu nguồn, người dân không đủ lương thực để ăn, vì cuộc sống mưu sinh họ cùng lâm tặc hoặc trực tiếp phá rừng. Chúng ta nên bớt xuất khẩu gạo để hỗ trợ người dân vùng khó khăn này”.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn, một đất nước xuất khẩu 7 triệu tấn gạo mà nhiều nơi người dân vẫn không đủ gạo ăn là không hợp lý. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này, trong đó có việc hỗ trợ gạo cho những hộ dân sống ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời mong trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang tổ chức điều tra tại các tỉnh biên giới để có báo cáo chính xác tình trạng này, góp phần đẩy mạnh công tác phản biện chính sách.
Về vấn đề Việt Nam một mặt lo xuất khẩu gạo, nhưng mặt khác vẫn nhập đỗ tương, ngô, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là quyền của doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Nếu sản phẩm trong nước bảo đảm chất lượng, giá rẻ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ mua trong nước. Tuy nhiên hiện nay, chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi nên không quy hoạch được vùng trồng đậu tương và ngô với năng suất cao. Nếu có quy hoạch, có năng cao thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ mua. Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Đại học Nông-Lâm góp phần giải đáp câu hỏi người mua mua giá nào và trong nước sản xuất bao nhiêu để có sự kết nối.
Thừa nhận thực tế tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nông nghiệp Việt Nam năng suất cao, nhiều mặt hàng nông sản tốt nhưng thu nhập thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất vẫn lạc hậu, chủ yếu là sản xuất theo hộ, chưa có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từng hộ sản xuất thì không thể có sản phẩm thương hiệu, không thể tạo nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp, chưa thể tạo ra thu nhập cao. Phải triển khai giải pháp hợp tác trong nông nghiệp để hướng đến giá trị chuỗi; điều chỉnh lại phương thức sản xuất nông nghiệp bởi phương thức sản xuất hộ không còn phù hợp với kinh tế thị trường./.