Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam lại còn ngang ngược tuyên bố,hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981là bình thường vì nónằmtrong phạm vi lãnh hải, tiếp giáp lãnh hảiquần đảo Tây Sa củaTrung Quốc”. Hành động trên cho thấy, Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong việc xác định đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo của Việt Nam, không phải là quốc gia quần đảo, nhằm xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này, cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để áp đặt chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Điều này đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong bối cảnh, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái leo thang căng thẳng, nhiều ý kiến của các chuyên gia Luật trong nước cũng như quốc tế cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Giàn khoan Hải Dương-981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam

Chiểu theo “lý sự” của Trung Quốc, có thể thấy, vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 không nằm trong lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, thậm chí là của đảo Tri Tôn vì nó cách đảo này hơn 12 hải lý. Vậy nó chỉ có thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo này (vì vùng tiếp giáp lãnh hải, xét về phạm vi không gian, vẫn là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế).

Vấn đề là quần đảo Hoàng Sa có hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để có thể cho phép quốc gia có chủ quyền mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này hay không?

Sau khi xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc đã và đang cố tìm cách tạo ra diện mạo khác về quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu quốc tế đều thống nhất cho rằng, hầu hết các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở quần đào này đều nên coi là những đảo, đá hầu hết là thấp bé không thích hợp cho con người đến ở hay có đời sống kinh tế riêng, theo Điều 121 của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm1982. Chính vì thế, quần đảo này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng hoặc không thể được xem như một “quốc gia quần đảo” để dựa vào đó đòi hỏi, yêu sách thềm lục địa.

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ, nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao khẳng định, Trung Quốc đã cố tình áp dụng sai nội dung quy định tại điều 47 về quy chế “quốc gia quần đảo” của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của họ. Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳngchoquốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở thẳngcho các quần đảo,không phải là quốc gia quần đảo.

 

TS. Trần Công Trục: Trung Quốc vận dụng Công ước nhưng lại rất sai

Theo TS. Trần Công Trục, quần đảo Hoàng Sa không phải là quốc gia quần đảo,vì thế, không thể vạch ra hệ thống đường cơ sở để từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho quần đảo này: “Họ vận dụng Công ước nhưng lại rất sai. Công ước 1982 quy định, một quốc gia quần đảo có quyền quy định đường cơ sở bao quanh toàn bộ quần đảo và đảo của quốc gia quần đảo, phía ngoài có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đấy là đối với quốc gia quần đảo, còn chưa có điều khoản nào nói rằng, các quần đảo của quốc gia ven biển được phép quy định đường cơ sở bao quanh quần đảo đó.

Ông Carlyle A. Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia khẳng định, yêu sách này của Trung Quốc là trái với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại với nhận thức chung của quốc tế và khu vực:Giờ đây, luật pháp quốc tế qui định rằng, các đảo nhỏ không có ảnh hưởng, không thể căn cứ vào đó để vạch vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng Trung Quốc lại đang đòi hỏi một khoảng mặt nước rộng tính từ những đảo nhỏ và bãi đá ngầm đó. Điều này là không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan hiện nay nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam: Điều 57 Công ước Luật Biển quy định rằng, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển không vượt quá 200 hải lý. Đồng thời tại Điều 76 của Công ước Luật Biển quy định rằng, một trong các cách để lựa chọn để xác định thềm lục địa của quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý. Nếu chiểu theo ranh giới 200 hải lý thì vị trí đặt giàn khoan nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

tau-ca-ngu-dan-bi-uy-hiep1_vswz.jpg 

Tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam trên Biển Đông

Hành động này của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết; đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ông Andrew Seibert Billo, Trợ lý Giám đốc các chương trình chính sách - Hội châu Á của Mỹ khẳng định, cách tiếp cận như hiện nay của Trung Quốc là một sai lầm: “Khi quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp thì không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc tiếp tục tiến lên và tự lên kế hoạch. Điều này chỉ mang đến kết quả là tình hình càng thêm phức tạp. Tôi cho rằng, cách tiếp cận này là một sai lầm.

Đòi hỏi của Trung Quốc chỉ dựa trên yếu tố lịch sử. Tôi không cho rằng, cộng đồng quốc tế công nhận yêu sách của Trung Quốc trên khía cạnh đó. Trong trật tự thế giới hiện tại, yêu sách của mỗi quốc gia về chủ quyền phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng, sẽ là hữu ích nếu Trung Quốc hoan nghênh cách tiếp cận này.

Trung Quốc nói và làm rất khác nhau. Trong thời điểm hiện nay, việc khởi kiện Trung Quốc lên các cơ quan tài phán quốc tế là một giải pháp cần được lựa chọn. Tuy nhiên, Công ước Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết tất cả mọi tranh chấp.

Nguyên tắc nền tảng cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 là: Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo Điều 2, Khoản 3 và Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp quốc.

Phụ lục V của Công ước Luật Biển 1982 đã trù định, việc thành lập một Uỷ ban hoà giải có chức năng “nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hoà giải”. Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: Tòa quốc tế về Luật Biển, Toà án quốc tế, Tòa trọng tài thông thường hoặc Tòa trọng tài đặc biệt.

Theo quy định tại Điều 296, Công ước Luật Biển 1982, thì các phán quyết của Tòa có tính chất tối hậu hay còn gọi là chung thẩm, các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ. Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thành viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu.Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn thành phần của Toà án.

Cần lưu ý rằng, các quy định nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982.

Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phải có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, các học giả và luật gia quốc tế. Hiệu quả của vụ kiện này là Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thành viên và đã khởi động phiên đầu tiên. Bất chấp việc Trung Quốc tìm mọi cách vận động, cô lập Philippines và ngăn chặn vụ kiện, Philippines vẫn kiên trì lựa chọn này. Dư luận cho rằng, đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề.

 

Ông Murray Hiebert (trái): Việt Nam nên đưa vấn đề ra tòa quốc tế

Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á – CSIS, Canada cho rằng, chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều: Tôi cho rằng, các bạn muốn giải quyết vấn đề này, thì các bạn nên đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế để họ nghiên cứu tài liệu và đưa ra phán quyết. Bằng cách này, hai bên đều có cơ hội trình chứng cứ của mình lên tòa án.Về lâu dài, đó là cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc về việc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, vì hành động này vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc.

Như vậy, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc về việc: Giải thích và áp dung sai Công ước Luật Biển 1982 và hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

PGS. TS, Luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế cho biết: “Chúng ta có quyền đơn phương khởi kiện. Chúng ta có một niềm tin tất thắng vào chính nghĩa, đó là pháp lý quốc tế ủng hộ chúng ta. Chúng ta có bằng chứng lịch sử, pháp lý để chứng minh chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa cũng như trên Biển Đông. Rõ ràng, Trung Quốc không có bất cứ căn cứ pháp lý quốc tế nào để biện minh cho các hành vi, tham vọng của họ trên Biển Đông. Vi phạm luật pháp quốc tế là tử huyệt, là điểm yếu nhất của Trung Quốc.”

Việt Nam sẵn sàng áp dụng mọi phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông. Đàm phán với các bên liên quan vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngnhấn mạnh:Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Rõ ràng, Hoàng Sa muôn đời là của Việt Nam. Đó là điều không thể tranh cãi. Giải quyết những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất./.

Xem toàn bộ loạt bài:

>>Bài 1: "Trung Quốc ngụy biện chủ quyền về cái gọi là "Tây Sa".

>> Bài 2"Việt Nam - Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa"

>> Bài 3: Quần đảo Hoàng Sa muôn đời là của Việt Nam