Sáng nay (18/9), tại TP HCM, Viện KSND Tối cao tổ chức hội thảo khoa học bàn về "hoàn thiện các thủ tục xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm" trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có 114 điều quy định về xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm và xét lại bản án và đã có quyết định pháp luật. Trong dự thảo nhập phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm thành một phần, để đảm bảo sự rành mạch trong kết cấu của Bộ luật Tố tụng hình sự, phù hợp với sự phân chia các giai đoạn tố tụng, đồng thời tránh trùng lắp. Nhiều ý kiến đồng ý với điều này.

Nhưng theo Tiến sĩ Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao thì khi cụ thể hóa điều khoản này, cần chú ý những quy định mang tính đặc thù của xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm: “Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay cụ thể hóa khoản 6 điều 103 của Hiến pháp đó là chế độ sơ thẩm được đảm bảo và tòa án thực hiện hai cấp xét xử. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị nghiên cứu thêm để quy định những gì chung nhất về xét xử trong chương những quy định chung về xét xử, những quy định gì mang tính đặc thù của xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm thì quy định trong từng giai đoạn cụ thể đó”.

 Các đại biểu cũng tập trung phân tích những quy định của Bộ luật hiện hành theo hướng bổ sung một số nội dung cho phù hợp với các yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua như: trách nhiệm của Tòa án trong việc chứng minh tội phạm, trình tự và phạm vi xét hỏi, giới hạn xét xử, sự có mặt của điều tra viên tại phiên tòa, căn cứ kháng nghị tái thẩm…

Các ý kiến, trao đổi, thảo luận tại hội thảo này là cơ sở để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới./.