Sáng 18/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Dự kiến luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Tại hội nghị, các đại biểu thể hiện nhất trí cao với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng để tránh tình trạng lách luật của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, phải tăng cường quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, quy định rõ về trách nhiệm trong việc triển khai quy định mở rộng đối tượng bảo hiểm.
Ông Phạm Duy Đỉnh, Giám đốc BHXH quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng quy định trách nhiệm các Bộ, các cấp các ngành như dự thảo luật là không khả thi: “Những quy định này tôi vẫn thấy chưa khả thi lắm vì vẫn chưa chỉ ra ai chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị ví dụ ở Trung ương bộ nào chịu trách nhiệm, ở địa phương cấp nào chịu trách nhiệm, chứ mở rộng đối tượng bao nhiêu năm nay đến giờ vẫn trì trệ, bây giờ giám đốc BHXH chịu trách nhiệm hay chủ tịch chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, phải chỉ ra. Việc này cũng nên giao trách nhiệm cho chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Khi đã giao trách nhiệm thì phải có kiểm điểm đánh giá trách nhiệm thì mới có cơ hội mở rộng đối tượng theo nghị quyết của Đảng được”.
Góp ý về điều kiện hưởng lương hưu suy giảm khả năng lao động, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng độ tuổi được hưởng lên 5 năm là không hợp lý. Đồng thời đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên có thời gian đóng BHXH 20 năm nếu bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.
Theo bà Tô Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, nên giữ nguyên như quy định hiện hành: “Theo sửa đổi của dự thảo luật thì đối tượng này phải làm thêm 5 năm nữa trong khi sức khỏe không đảm bảo. Nếu thực tế mà bị giảm 61% sức lao động thì đã rất yếu rồi. Nên theo chúng tôi thay vì tăng tuổi đối với các đối tượng này khi được hưởng lương hưu thì cần quy định chặt chẽ công tác giám định sức khỏe của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vừa rồi ồ ạt có các đối tượng đi giám định sức khỏe để về hưu trước tuổi nhưng chúng ta phải xem bản chất vấn đề, công tác giám định này đã chính xác chưa”.
Các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố xem xét, tiếp thu để góp ý vào dự thảo và dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới đây./.