Thảo luận cho ý về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, theo Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) cho rằng, Viện Kiểm sát (VKS) tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự và cho rằng VKS tham gia tố tụng là đại diện cho quyền lợi của xã hội, không phải đại diện của các bên đương sự, chỉ đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào.
Viện kiểm sát tham gia phiên tòa dân sự
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng tại phiên sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKS. Tuy nhiên, một số đại biểu như Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại cho rằng nên để VKS tham gia ngay từ phiên tòa sơ thẩm và được phát biểu quan điểm của mình vì phát biểu của VKS cũng không làm ảnh hưởng đến quyết định của tòa án mà chỉ có tính chất phản biện để thảm phán xem xét, nghiên cứu. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dẫn báo cáo của TANDTC năm 2010 có 8.000 đơn khiếu nại giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng mới chỉ xem xét 3.696 đơn, trong đó 737 vụ việc phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm điều đó nói lên việc xét xử các vụ án dân sự có vấn đề. Theo đại biểu một phần phát sinh các vụ việc có nguyên nhân VKS không được tham gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Bà Rịa- Vũng Tàu) chia sẻ, hiện nay với trình độ dân trí của chúng ta còn thấp những điều kiên liên quan đến dân sự đang vẫn còn rất phức tạp, việc viện kiểm sát tham gia các phiên tòa xét xử dân sự góp phần phát hiện nhiều sai sót trong việc xét xử của tòa án, do đó đã đến lúc chúng ta phải xem xét vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự.
Thảo luận về Hội đồng định giá (khoản 3 Điều 92) các đại biểu nhất trí với Ủy ban tư pháp đồng ý với quy định của dự thảo Luật về Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng việc để cho cơ quan tài chính làm chủ tịch hội đồng định giá là đúng với chức năng chuyên môn. Nếu để tòa án làm thì sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực.
Góp ý về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự (Điều 159), theo Tờ trình của TANDTC có ba quan điểm, đại biểu Phạm Xuân Thường thống nhất với quan điểm thứ ba cho rằng, không nên đặt vấn đề sửa đổi các quy định về thời hiệu khởi kiện trong lần sửa đổi này mà sửa đổi khi thực hiện Bộ Luật Dân sự cùng với Bộ Luật Tố tụng dân sự một cách toàn diện .
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Quyền lại ủng hộ quan điểm cho rằng, vấn đề thời hiệu cần được tiếp tục rà soát và quy định trong Bộ luật dân sự (BLDS), không cần thiết quy định trong BLTTDS, đại biểu gợi ý nên có giải pháp tổng thể thời hiệu đối với từng loại vụ việc đặt ra thời hạn bao nhiêu năm cần phải quy định rõ.
Thảo luận về biện pháp bảo đảm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đa số các đại biểu đều nhất trí với quan điểm của Ủy ban tư pháp cho rằng, vẫn giữ nguyên như BLTTDS hiện hành về vấn đề này vì việc quy định biện pháp bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đối với bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không phù hợp với Điều 361 của BLDS.
Không công nhận thỏa thuận phát sinh bên ngoài tòa án
Về công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự (Điều 26). Đa số đại biểu cùng thống nhất theo hướng chỉ công nhận ở trong tòa án. Vì, trên thực tế việc thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự của các bên đương sự là rất phức tạp, nếu dự thảo Luật quy định Tòa án có thẩm quyền công nhận sự thỏa thuận nêu trên là không chặt chẽ, dễ dẫn đến việc bị lợi dụng để trốn tránh một nghĩa vụ dân sự khác hoặc thỏa thuận của các bên làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người thứ ba mà Tòa án không thể biết được.
Thảo luận về trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót (Điều 284 và Điều 288),
Đại biểu Phạm Xuân Thường nêu vấn đề phát hiện sai lầm trong các bản án quá thời hạn 3 năm tương đối phổ biến đại biểu nhất trí với quan điểm của Ủy ban tư pháp theo hướng trường hợp, cơ quan, tổ chức có đơn đề nghị kháng nghị trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 284 của Luật này nhưng đã hết thời hạn kháng nghị mà người có thẩm quyền mới phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không phụ thuộc vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 288. Ủy ban Tư pháp nhận thấy quy định việc sửa đổi, bổ sung Điều 284 và Điều 288 của dự thảo Luật là phù hợp và tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn thi hành BLTTDS./.