Theo một khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, có tới 62% số người được hỏi trả lời rằng, họ không muốn tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”. Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện hành đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo; các biện pháp, điều kiện bảo vệ người tố cáo cũng còn chung chung.

Không hiếm trường hợp người tố cáo bị đe dọa, trả thù 

Trong những đại án tham nhũng đình đám xảy ra vào đầu những năm 2000 thì vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn là một vụ nổi cộm. Trong vụ việc này, cựu đại tá Công an Đinh Đình Phú được cả nước biết đến là người đã dám đứng lên tố cáo cả một tập thể tham nhũng và kiên trì đấu tranh đến cùng để đi tìm sự thật. Tuy nhiên, trên hành trình đấu tranh ấy, ông gặp vô vàn khó khăn, kể cả bị kẻ xấu đe dọa.

to_cao_1_kwsc.jpg

Không hiếm trường hợp người tố cáo bị đe dọa, trả thù (Ảnh minh họa)

Hay như ông Phạm Thanh Bình (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do tích cực đấu tranh chống tham nhũng nên đã bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức vụ Bí thư và bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND phường. Ông đã trải qua 506 ngày khó khăn trong cuộc đời khi bị cách chức vì dám dũng cảm viết thư lên Bí thư Thành ủy Hà Nội để chống tham nhũng. Cuối cùng công lý đã chiến thắng và ông đã được phục hồi chức vụ Bí thư Đảng ủy ngày 5/5/2010.

Những trường hợp người tố cáo bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi như bị đánh trọng thương, bị sa thải, đuổi việc không phải hiếm.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế không ít trường hợp người tố cáo bị trù dập, trả thù; trong khi đó các quy định hiện hành bảo vệ người tố cáo rất khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật là vậy.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt chứng kiến nhiều vụ đi kiện, đối tượng thuê cả đối tượng giang hồ để khống chế. Cho nên người dân tốt thì nhụt ý chí; còn cán bộ, công chức vì miếng cơm manh áo nên họ cũng không dám kiện thủ trưởng mặc dù biết thủ trưởng có nhiều cái sai. Và thực tế cho thấy không thiếu những trường hợp bị trù dập nhưng có ai bảo lãnh, bảo vệ họ đâu.

Xác định rõ cơ quan chính có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo

Hiện nay, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đang được giao cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau và được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật. Các biện pháp bảo vệ người tố cáo còn mang tính định tính, chưa được cụ thể hóa; chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận yêu cầu bảo vệ của người tố cáo.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) đã dành hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo với những quy định cụ thể về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ…

Tuy nhiên, qua thảo luận tại phiên họp thứ 8 hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho rằng, nội dung này trong dự thảo Luật vẫn còn chưa rõ cơ quan nào là người chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân của họ; chưa quy định về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn chứng: “Như trường hợp dự thảo Luật nói là thủ trưởng giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo thì lại không khả thi. Vì bản thân ông thủ trưởng đó bị người ta tố cáo. Bây giờ ông không trả thù người đó thì thôi chứ lại đi bảo vệ người đó thì khó lắm”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, để tố cáo thực sự là công cụ phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và khuyến khích người dân dám đứng lên tố cáo thì cần có cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo.

“Quy định này quá chung chung là thủ trưởng cơ quan, cơ quan Công an, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân. Thực tế tố cáo mà có chuyện gì người ta hãm hại thì mình và gia đình mình phải chịu thôi. Người tố cáo bây giờ có ai bảo vệ đâu. Bảo vệ thì phải có lực lượng chuyên trách chứ bảo vệ lại là người trong cơ quan bảo vệ thì chẳng mang lại kết quả gì”, ông Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, bảo vệ người tố cáo là vấn đề lớn, rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ chế, nhiều trách nhiệm, đặc biệt liên quan đến điều kiện để đảm bảo. Hiện tại, Vụ đã kế thừa các quy định, đồng thời muốn chỉnh sửa cho cụ thể và có tính khả thi hơn với việc quy định rõ trách nhiệm của những cơ quan trong quá trình xem xét, giải quyết để bằng các biện pháp, chức năng, nhiệm vụ của mình có những việc bảo vệ cho hữu hiệu.

“Chúng tôi vẫn cố gắng cụ thể hóa tối đa nhưng để đi vào cuộc sống thì nói thật với các đồng chí cũng là cả một vấn đề”, ông Nguyễn Văn Kim chia sẻ.

Tệ nạn tham nhũng hiện nay đang phổ biến và ngày càng tinh vi, phức tạp. Hơn bao giờ hết, người dân cả nước cũng đang rất bức xúc và mong chờ Đảng và Nhà nước ta dẹp bỏ được tệ nạn này. Do vậy, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài bản lĩnh của người tố cáo thì rất cần có hành lang pháp lý để bảo vệ họ.

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) cần có các quy định về bảo vệ người tố cáo chặt chẽ, cụ thể, khả thi hơn, như thế có điều kiện để thực hiện, có cơ chế để kiểm tra, giám sát, đồng thời xác định rõ cơ quan chính có trách nhiệm bảo vệ chứ không thể quy định chung chung được./.