Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố 3 số điện thoại đường dây nóng tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà trái quy định, đã có gần 200 nguồn tin, phản ánh, trong đó đa số nội dung tố cáo là có cơ sở.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ về nội dung này.

ong_dat_2_qrdx.jpg
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận nguồn tin

PV: Sau khi Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ công bố 3 số điện thoại đường dây nóng (gồm 080.48228, 0902.386.999, 0125.698.66) để tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà trái quy định dịp trước Tết nguyên đán năm nay, xin ông cho biết kết quả phản ánh của người dân, cũng như nỗ lực xử lý thông tin tố cáo của Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đến thời điểm này?

Ông Phạm Trọng Đạt: Trong nửa tháng nay, 3 số điện thoại đường dây nóng thu được gần 200 nguồn tin, phản ánh trên các lĩnh vực đời sống xã hội an ninh quốc phòng trên phạm vi toàn quốc. Năm nay, lĩnh vực nhiều người quan tâm là tình trạng tham nhũng vặt ở các cấp cơ sở địa phương, phường, quận, huyện và chủ yếu vẫn liên quan đến đất đai, chính sách đền bù, lợi dụng chức vụ quyền hạn được người dân phản ánh nhiều.

Nguyên nhân bởi dưới địa phương không giải quyết triệt để, hoặc lâu, không tin tưởng nên người dân điện thoại, nhắn tin, gửi tài liệu rất nhiều. Năm trước chỉ có khoảng 65 nguồn tin, nhưng năm nay chưa đến Tết đã có 200 nguồn tin. 

Qua phân tích, thì có 1/3 số nguồn tin, sự việc người dân gọi điện đều có cơ sở, hiện chúng tôi đang nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan khác để làm rõ. Xử lý của Cục chống tham nhũng phải trách nhiệm hơn. Phải hết sức bình tĩnh để xử lý. Những nội dung thuộc cơ quan chống tham nhũng, đề nghị người dân cung cấp thêm tài liệu, để đánh giá, có thể tiến hành thanh tra để làm rõ, xử lý.

Thứ hai, những việc không thuộc thẩm quyền thì bàn giao cho các bộ, ngành cho đúng thẩm quyền. Thứ ba, chúng tôi giải thích, hướng dẫn người dân theo đúng pháp luật.

PV: Đây là năm thứ 2 Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Với kết quả 65 nguồn tin, sự việc qua đường dây nóng trong năm 2014, kết quả xử lý đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Trọng Đạt: Chúng tôi đã tổng kết, trong đó có gần 30 nguồn tin buộc Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phải xác minh. Hiện còn 5 vụ việc đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan công an, cơ quan khác để tiến hành xác minh để có tài liệu. 

Việc giải quyết đòi hỏi phải có tài liệu, chứng cứ khách quan vì liên quan đến sinh mệnh, chính trị nên phải thận trọng, đúng pháp luật. Chúng tôi không bao giờ bảo vệ kẻ tham nhũng. Xử lý tham nhũng không có vùng cấm.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận đơn thư của người tố cáo vụ việc

PV:Năm 2016 Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng để tiến hành sửa đổi bổ sung, trong đó chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông để thu hồi tài sản tham nhũng cần có những giải pháp gì cần đưa vào luật?

Ông Phạm Trọng Đạt: Dự kiến của Quốc hội trong năm 2016, nghiên cứu sửa toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng. Muốn sửa chúng ta phải tổng kết 10 năm Luật phòng, chống tham nhũng phải như thế nào. Luật còn những vấn đề vướng mắc về mặt pháp luật cần phải sửa đổi. 

Phải tổng kết được nguyên nhân vì sao phát hiện còn thấp, giải pháp phòng ngừa còn hình thức? Thông qua tổng kết có đề xuất với trung ương, quốc hội có giải pháp đột phá như thế nào để thực hiện mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. 

Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Tổng kết 10 năm, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban và Tổng Thanh tra làm Phó trưởng ban. Tới đây, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có tiến triển tốt qua việc sửa Luật để luật đi vào thực tế.

Trách nhiệm của Cục Chống tham nhũng, cơ quan tham mưu cho Tổng Thanh tra và Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm của Chính phủ. Chúng tôi đang đôn đốc, kiểm tra các ngành, các bộ, địa phương để tháng 1/2016 tổng kết, đến tháng 3, 4 toàn quốc sẽ tiến hành tổng kết.

Có thể nói, thu hồi tài sản tham nhũng có những chuyển biến khá hơn. Năm nay đạt 55,8%, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Giải pháp để thu hồi được, trước hết phải được nội luật hóa. Có chế tài xử lý sau thanh tra. Thu hồi tài sản phải thực hiện từ khâu điều tra, thanh tra, kiểm tra nếu có tài sản, tiền bạc phục vụ thu hồi thì tiến hành ngay tại thời kỳ đó và xử lý nghiêm theo luật. 

Kết hợp với Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị, đó là các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh xử lý tội phạm tham nhũng, đồng thời có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề này, và xử lý nghiêm và coi đó là tiêu chí đánh giá cán bộ đảng viên.

PV: Xin cảm ơn ông./.