Thẩm tra dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra sáng nay (9/3) tại Nhà Quốc hội, đa số ý kiến thống nhất cần bổ sung quy định đối với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có kèm theo tài liệu, chứng cứ rõ ràng thì các cơ quan liên quan cũng cần xem xét, xử lý.

Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

ttxvn_uy_ban_phap_luat_qbhy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Qua thảo luận, nội dung được các thành viên Ủy ban tập trung cho ý kiến là những vấn đề còn có quan điểm khác nhau được nêu ra trong Tờ trình của Chính phủ, bao gồm quy định các hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh và thời hiệu tố cáo.    

Về tố cáo nặc danh, Chính phủ cho rằng, những năm qua, cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai. Do đó, nếu Luật quy định cả việc giải quyết tố cáo nặc danh nữa, sẽ gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với quy định của Dự thảo Luật, song đề nghị cần cân nhắc có quy định với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Về nguyên tắc, đơn mạo danh thì không xử lý nhưng với đơn mạo danh, nặc danh có hồ sơ, chứng cứ tương đối rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà trong các tài liệu đó có nêu, giống như các thông tin phản ánh về vi phạm”.

Cùng với kế thừa các quy định về bảo vệ tố cáo trong Luật hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi cũng dành một chương quy định chi tiết hơn về việc bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, đây là nội dung rất quan trọng nhưng Dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo cũng như kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo…

“Các đồng chí quy định là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo, chưa kể thủ trưởng có biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tôi tố cáo thủ trưởng, thủ trưởng tha không trù dập, không cho người hãm hại tôi thì thôi lại còn cử người bảo vệ tôi nữa, như vậy không thực tiễn. Thực tế quy định trong Điều 40 đã chung chung rồi, thêm khoản 4 lại càng cụ thể hóa sự chung chung”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu dẫn chứng.

Về các hình thức tố cáo, Dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu bổ sung hình thức tố cáo qua fax, email, điện thoại, qua đường dây nóng. Vì thực tế, đã có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng được phát hiện thông qua các hình thức này. Hơn nữa, điều này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng và Bộ luật tố tụng hình sự./.