Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Di chúc trước khi Người đi về cõi vĩnh hằng, để lại cho những thế hệ muôn đời sau nhiều lời căn dặn, nhắn nhủ cũng như nhiều dự liệu, định hướng quan trọng. Trong 6 vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới ở nội dung Di chúc, Người cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề đoàn kết, được coi là vấn đề mà Người lo ngại và trăn trở nhất. Người đã từng nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: “Bác Hồ đã khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta. Điều đó xuất phát từ 4 lý do. Thứ nhất, Người hiểu về sức mạnh của đoàn kết, nếu không có đoàn kết thì nội bộ sẽ chia rẽ, không tạo ra sự nhất trí. Thứ hai, Người hiểu rõ truyền thống của dân tộc ta, để chống được giặc ngoại xâm là nhờ sự đoàn kết, nhờ sự góp sức và đồng lòng với nhân dân. Thứ ba, Người coi đoàn kết như con ngươi của mắt mình, là định hướng để hành động có hiệu quả. Và thứ tư, Người nhận thấy tác hại của sự thiếu vắng tinh thần đoàn kết. Đó là lý do mà Người đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết trong nội bộ”.

p1030694_fnsx.jpgPGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Ngoài vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng, Hồ Chủ tịch còn nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Nguyên lý là Đảng muốn giữ gìn đoàn kết thì phải có sự đồng nhất với nhân dân trên nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Trong Di chúc, Người dặn dò muốn đoàn kết dân tộc, Đảng ta phải chăm lo được cho dân, phải tạo được niềm tin vững chắc trong lòng dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong bối cảnh thực tế hiện nay, sở dĩ người dân, nhất là ở bộ phận thanh niên giảm lòng tin vào Đảng chính là do sự thiếu đoàn kết trong nội bộ Đảng. “Vì thế, đoàn kết cần phải đi đôi với hành động. Bản thân tôi đã từng nghiên cứu, trên thực tế, ngay trong lịch sử nội bộ cấp cao của Đảng ta cũng có lúc thiếu sự nhất trí, đồng thuận”, ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng nạn quan liêu, tham nhũng, một bộ phận cán bộ Đảng viên có những biểu hiện xa rời dân chúng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… Đó chính là những điều diễn ra trong thực tế. Điều này cũng đã được Bác Hồ chỉ ra từ năm 1945. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, Bác đã căn dặn phải chỉnh đốn lại Đảng ngay sau ngày thắng lợi.

“Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo, chúng ta mới thấy được tầm vóc, tư tưởng của Người. Vì nếu Đảng không được xây dựng, chỉnh đốn tốt thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, đến niềm tin của người dân. Nên có thể nói, cho đến nay, bản Di chúc ra đời và đã trải qua 45 năm nhưng theo tôi, còn một số vấn đề chúng ta làm chưa tốt so với lời căn dặn của Bác. Do đó, Hội nghị Trung ương phải đặt ra những vấn đề cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay, chính là góp phần thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã căn dặn trong bản Di chúc”, ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Trọng Phúc, TS Chu Đức Tính – nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Chúng ta từng có những hạn chế trong quản lý kinh tế, nếu không chúng ta đã có thành quả lớn hơn trong vòng 45 năm qua. Chúng tôi rất tâm đắc với điều mà Chủ tịch nước phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây, đó là: ‘Phải gây dựng một lòng tin, điều này không có gì mới, Bác Hồ và các bậc tiền nhân đã nói rồi’. Điều ấy ngày nay chúng ta phải luôn được nhắc đi nhắc lại.

Lòng tin đó phải được xây dựng trên nền tảng là sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, luôn gìn giữ sự trong sạch của Đảng, để như lời Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.