Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời căn dặn của Người có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đang đặt lên vai thanh niên những trọng trách lớn lao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong Di chúc, Người đã viết “trước hết nói về Đảng” và ngay sau đó là nói về đoàn viên thanh niên. Bằng sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Người đã cùng với Trung ương Đảng chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng ưu tú trưởng thành từ thanh niên.
Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ông Lê Đình Nghĩa, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu khoa học dân vận, Ban Dân vận Trung ương cho rằng: Đây là điều Bác Hồ luôn trăn trở bởi bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ để cho thế hệ sau trở thành những gì đúng như thế hệ trước đã có, mà còn vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn mà chưa thực hiện được. Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ là để trao vào tay họ cả tương lai và vận mệnh của đất nước. Vì vậy, Người đặc biệt lưu ý: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.
Ông Lê Đình Nghĩa phân tích: “Trong Di chúc, một trong những nội dung Bác đề cập sâu sắc là chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây cũng là điều Bác luôn trăn trở. Tâm nguyện của Bác trong Di chúc về việc chăm lo xây dựng thế hệ đời sau là một nội dung Đảng và Nhà nước ta phải hết sức quan tâm. Đây là lực lượng rất quan trọng để thực thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn”. Thực hiện Di chúc của Người, 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đây là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Nhiều chủ trương, chính sách giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ đã được đề ra. Các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”… được phát động và diễn ra sôi nổi khắp cả nước, khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội, môi trường để thế hệ trẻ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thị Minh Lý, sinh viên Đại học Thương mại cho rằng: “Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, tôi cảm thấy mình năng động, trưởng thành về mọi mặt và hòa đồng với mọi người hơn; thấy mình giúp đỡ được nhiều người nên niềm vui được nhân lên. Nếu ngàng càng có nhiều bạn tham gia tình nguyện thì sẽ rất tốt cho đất nước”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh thiếu niên cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp những đòi hỏi của tình hình mới. Do những thiếu sót trong công tác giáo dục đào tạo, sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ đảng viên đã tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ.
Một bộ phận thanh niên mất phương hướng chính trị, thiếu niềm tin vào Đảng. Số khác lại sống thờ ơ, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, xa rời những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Thực tế này càng đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho Đảng.
Để giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho Đảng thực sự có trình độ, có đạo đức thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống, bản thân Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thực sự trong sạch, vững mạnh. Phải để lại những tấm gương, bài học, đó là cách giáo dục tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho thanh niên./.