Sáng 11/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”.

Hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành đoàn. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tới dự.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung nhìn nhận về sự tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, các dịch vụ xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. 

Đề cập tới các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, các ý kiến cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm này trên không gian mạng, để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, chân thực, trong sáng, lành mạnh, định hướng văn hóa cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tạo môi trường công bằng, lành mạnh để các nền tảng, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là cần coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy thì mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.

Để tuổi trẻ chung tay bảo vệ nền tảng văn hóa tư tưởng trên không gian mạng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) cho rằng, cần tạo ra hệ sinh thái cho giới trẻ sáng tạo.

"Hệ sinh tái khiến họ tin tưởng, họ được hiểu biết, cần có những diễn đàn hay các chương trình mang tính chuyên đề, hoặc tổ chức nhiều các lễ hội …. Những chương trình đó là cách để tạo ra không gian, môi trường để những người trẻ có thể kết nối với quá khứ. Không có cách nào sống động hơn, giàu sự lan tỏa hơn khi chính người trẻ chuyển hóa những gì thuộc giá trị cốt lõi thông qua những hình thức biểu hiện mới, cách cảm nhận mới của họ" - bà Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, sau hàng nghìn năm, văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh dân tộc, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của đất nước, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, ông đề nghị các cấp bộ Đoàn tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng, quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc cũng như về vị trí, vai trò của văn hoá với quá trình phát triển đất nước.

"Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức Đoàn cần tập trung nghiên cứu, xác lập các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa; tổ chức, đầu tư, hỗ trợ các cuộc thi, dự án khởi nghiệp về văn hóa, các ý tưởng, sản phẩm văn hóa giá trị cao, có sức lan tỏa lớn trong thanh thiếu nhi" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết./.