Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 - 25/5/2016. 

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiêncủa Tổng thống Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống George W.Bush - năm 2006).

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chúng ta cùng điểm lại những thành quả đã đạt được trong quan hệ Việt - Mỹ sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ.

obama_2_qtno.jpg
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ (Ảnh: Reuters)

Quan hệ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

Về quan hệ chính trị - ngoại giao, kể từ sau khi hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Mỹ đạt được những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song phương và đa phương.

Phía Mỹ cử nhiều đoàn thăm Việt Nam, trong đó nổi bật là chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry (8/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Carter (6/2015), Cựu Tổng thống Bill Clinton (7/2014, 7/2015).

Về phía lãnh đạo Việt Nam thăm Mỹ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), ký “Tuyên bố tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (9/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (9/2015).

Năm 2016, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, theo đó: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Sunnylands (2/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington D.C. (4/2016) và hiện hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama từ 23-25/5/2016.

Cùng với tăng cường hợp tác về chính trị, hợp tác kinh tế Việt – Mỹ cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Tính từ năm 2005, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, đạt trên 45 tỷ USD năm 2015, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu.

Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước đạt 11,08 tỷ USD với 748 dự án (tính đến tháng 6/2015) , xếp thứ 7. Hai bên cũng đã kết thúc đàm phán TPP và ký Hiệp định vào tháng 2/2016 và hiện đang phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua.

Quan hệ về an ninh - quốc phòng giữa hai nước trong thời gian qua cũng có nhiều tiến triển. Phía Mỹ tiếp tục cử nhiều đoàn quốc phòng quan trọng thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ, trong đó có Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus (4/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (6/2015). Hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ (6/2015); tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 6 tại Washington DC (tháng 9/2015)...

Về an ninh, trong chuyến thăm chính thức Mỹ (3/2015) của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, hai bên đang trao đổi để ký kết một số thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Tăng cường hợp tác xử lý hậu quả chiến tranh

Việc hợp tác về y tế, môi trường, nhân đạo giữa hai nước trong thời gian qua cũng đạt được nhiều kết quả thiết thực. Phía Mỹ tiếp tục quan tâm tới các vấn đề này. Hai bên đã ký Hiệp định mới về Hợp tác y tế và khoa học y học (6/2013); ký MOU về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn (12/2013); phía Mỹ lần đầu tiên cam kết hỗ trợ cho người tàn tật bất kể nguyên nhân gì (trong Tuyên bố chung Cấp cao tháng 7/2013).

Về  xử lý chất độc da cam/Dioxin, phía Mỹ thông qua 84 triệu USD cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và 11 triệu USD trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin (giai đoạn 2014-2016). Tổng giá trị Mỹ viện trợ cho Việt Nam về bom mìn thông qua các NGO từ 1993-2014 trị giá 94 triệu USD (riêng năm 2015 là 10 triệu USD).

Trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, hai bên ký chính thức Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) ngày 06/5/2014; bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ: NASA và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung (Joint Statement of Intent) về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (12/2011); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và USAID ký Tuyên bố hợp tác về Khoa học Công nghệ (3/2015)…

Hợp tác về giáo dục, du lịch cũng đang trên đà phát triển. Tính đến hết tháng 1/2016 có khoảng 28.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Mỹ  (năm 2006 đứng thứ 20).

Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Việt Nam đã cho phép đầu tư Dự án thành lập Đại học mô hình Mỹ ở Việt Nam (Đại học Fulbright). Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam trong năm 2015 đạt 491,2 nghìn lượt (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái), xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bên cạnh tăng cường hợp tác về kinh tế, giáo dục, khoa hoạc kỹ thuật… hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề khu vực và đa phương. Việt Nam và Mỹ đã tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực như APEC, ARF, ADMM+, LMI, EAS; trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, Biển Đông, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN...

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, đây là vấn đề hai bên còn khác biệt. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại thẳng thắn hàng năm về nhân quyền, gần đây nhất là vòng 19 đã diễn ra tại Việt Nam tháng 5/2014 và được phía Mỹ đánh giá là thành công. Hai bên đã tiến hành Đối thoại Nhân quyền vòng 20 tại Washington (25-26/4/2016).

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Barack Obama được cho là sẽ góp phần củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới./.