Ngày 16/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay; phương hướng nhiệm vụ năm 2015 và nhiệm kỳ tới.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành của Trung ương, các cơ quan của Quốc hội.

tbt1_dcwb.jpgTổng Bí thư phát biểu tại cuộc làm việc
Từ năm 2011 đến 2014, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tạo sự chuyển biến về thực hiện nhiệm vụ được giao trên các mặt: công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao; phòng, chống tham nhũng; xây dựng thể chế; xây dựng đảng, xây dựng cơ quan.

Toàn ngành đã triển khai hơn 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 478.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 111.791 tỷ đồng và 18.714 ha đất.

Kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực, phát hiện, xử lý vi phạm nhiều hơn so với 4 năm đầu của nhiệm kỳ trước, chất lượng, hiệu quả và kết quả thanh tra ngày càng được nâng lên, riêng năm 2014 có kết quả xử lý vi phạm nổi trội nhất.

Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cao đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tiếp gần 1,6 triệu lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết hơn 190.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87%.

Từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ bố trí tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tiếp dân từ Trung ương đến địa phương.

Thanh tra Chính phủ thực hiện việc tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cũng đã tham gia giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp Công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cua Luật phòng, chống tham nhũng…

Thanh tra Chính phủ đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), ban hành và bổ sung quy chế, quy định về công tác cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, chấm dứt việc bổ nhiệm cấp phó quá số lượng, thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với tất cả cán bộ được bổ nhiệm trong thời gian cuối nhiệm kỳ 2006 – 2011; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ đã được chỉ ra qua kiểm điểm.

Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành đều đánh giá những chuyển biến tích cực của ngành thanh tra trong thời gian qua; đồng thời góp thêm ý kiến vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để tạo nền tảng cho hoạt động thanh tra đạt hiệu quả cao, nhất là trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng; khắc phục những bất cập, tồn tại của ngành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ từ năm 2011 đến nay, thực hiện nhiệm vụ đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, bài bản hơn.

Nổi bật ở 4 nội dung là: Phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, thúc đẩy, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có tiến bộ, giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, góp phần làm dịu tình hình, ổn định xã hội; Với chức năng,  nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng thể chế, cơ chế, đề xuất biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xét xử phòng, chống tham nhũng; chú trọng công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 để từng bước chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại của ngành.

Tổng Bí thư nêu rõ: Công tác thanh tra nói chung, Thanh tra Chính phủ nói riêng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp bởi liên quan tới việc đấu tranh bảo vệ pháp luật, chống hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng trong bộ máy Nhà nước, bảo vệ lợi ích của tổ chức và nhân dân. Công việc này đụng chạm tới con người, cơ chế, chính sách.

Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình trong giai đoạn hiện nay để làm tốt nhiệm vụ, thực sự là công cụ hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân. Trong đó cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất việc thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực thường xảy ra tiêu cực qua đó đề xuất kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sở hở bất cập trong quản lý và xử lý các vi phạm tiêu cực; đề cao giá trị pháp lý của kết luận thanh tra.

Nhắc lại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, Tổng Bí thư đề nghị Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra tiếp tục có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để chủ động hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản, thu nhập; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan; cải cách thủ tục hành chính; chống phiền hà, nhũng nhiễu; thực hiện nghiêm chế độ, định mức, tiêu chuẩn, chính sách. Đồng thời đẩy mạnh việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; mở nhiều kênh thông tin, tiếp nhận tin báo về tham nhũng, trong đó có qua đơn thư và phát hiện của báo chí. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tổng Bí thư yêu cầu thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, chú trọng giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài.

Đối với công tác xây dựng nội bộ ngành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng Thanh tra Chính phủ giải quyết dứt điểm những tồn đọng, những khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4; Củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc; tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ; kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ làm thanh tra.

Những người làm công tác thanh tra phải thực sự thanh sạch, ngay ngắn, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của Đảng, của đất nước của dân tộc, của nhân dân.

Nếu cán bộ thanh tra “tay mình đã nhúng chàm” thì không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Tổng Bí thư lưu ý Thanh tra Chính phủ phải tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và hợp tác quốc tế. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông qua cơ chế, chính sách phù hợp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thanh tra Chính phủ cần phát huy tốt, xứng đáng với truyền thống 70 năm để giành được huân chương cao quý nhất là huân chương trong lòng dân; để dân tin, đảng tin./.