Sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu đầu tư theo hình thức BT bị dở dang, ách tắc thì sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không khơi thông được dòng chảy kinh tế và ảnh hưởng đến tăng trưởng.  

cats_omdh.jpg
Thủ tướng chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đều cho rằng, thực hiện các dự án BT là rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế. Bản chất của dự án BT là Nhà nước huy động vốn xã hội đầu tư công trình cần thiết, sau đó đổi trả bằng tài sản, hàng hóa khác.

Thời gian qua, không ít dự án BT bị cho là có thất thoát nguồn lực Nhà nước, nhất là các dự án thanh toán cho nhà đầu tư bằng đất đai. Bởi thực tế giá trị đất đai bị tính giá thấp hơn giá trị thực theo thị trường, trong khi giá dự án BT được định giá khá cao, khiến phần thiệt thuộc về Nhà nước.

Để tránh trống vắng cơ sở pháp lý, Chính phủ đã có Nghị quyết số 160 ngày 28/12/2018 đối với các hợp đồng BT đã ký trước ngày 1/1/2018. Tuy vậy, để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án BT, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương thì vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận làm rõ, thống nhất, trong đó có quy định: hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá không thông qua đấu giá; có nên đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất hay không...

Việc thực hiện thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo 5 phương pháp theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy, hình thức BT không còn tồn tại.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tư theo hình thức BT vẫn là cần thiết hiện nay, đó cũng là việc triển khai thực hiện Luật quản lý tài sản công năm 2017.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, giúp Nghị định khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu, Nghị định này phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước.

Yêu cầu hoàn thiện Dự thảo Nghị định ngay trong tháng 4 để trình Thủ tướng xem xét, Thủ tướng cũng yêu cầu Nghị định phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với thị trường nhưng không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng tiêu cực đối với tài sản công. Cùng với đó là phân cấp, giao quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm để tránh những sai phạm xảy ra./.