Hôm nay (2/12), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, thống nhất các biện pháp tiếp tục tập trung chỉ đạo và điều hành nền kinh tế trên tinh thần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tăng cường quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ |
Nhận định chung của các thành viên Chính phủ: tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là trong kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 5,5% so với tháng 12 năm ngoái và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm trước. Lãi suất giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý sau cao hơn quý trước, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo có sự phục hồi đáng kể. Xuất khẩu cũng tăng trưởng khá cao với trên 121 tỷ USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ 11 tháng năm 2012, còn nhập siêu chỉ bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Số lượng thành lập mới doanh nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và có gần 13 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động. Nợ xấu, hàng tồn kho cũng từng bước được xử lý, trong đó thị trường bất động sản mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm dần hàng tồn kho. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Vấn đề cốt lõi là khắc phục tình trạng lệnh pha cung-cầu thị trường gắn với triển khai chiến lược nhà ở quốc gia." Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng là gói đa mục tiêu nhưng mục tiêu chính là phải hướng đến người dân được vay được mua, thuê mua nhà ở xã hội chứ không phải gói này là mục tiêu bất động sản. Điều này được thể hiện trong Nghị định về nhà ở Thủ tướng mới ban hành, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại phải dành 3% dư nợ tín dụng của các ngân hàng này để cho người dân vay, thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn thị trường".
Các thành viên Chính phủ cũng phân tích những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, nhất là lạm phát vẫn có nguy cơ quay trở lại trong dịp Tết Nguyên đán; tỷ lệ nợ xấu còn cao; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; tổng cầu và sức mua còn yếu; thiên tai, bão lũ liên tiếp cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân…
Đồng tình với nhận định của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, nhất là đối với hàng hóa nông sản và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên vùng bị tai; tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tai nạn giao thông và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tiếp tục triển khai làm nhà tránh lũ cho người nghèo. Bộ Công thương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình cung cấp điện năng phục vụ sản xuất và đời sống. Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và các địa phương liên quan tập trung quyết liệt đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông; triển khai ngay từ đầu năm các nguồn vốn đầu tư gắn với đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch, gắn với quản lý và tăng cường tiết kiệm chi tiêu; triển khai sớm kế hoạch năm 2014 thông qua hội nghị trực tuyến để tiết kiệm ngân sách và thời gian. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ trưởng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, Pháp lệnh. Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ hàng tháng tiến độ thực hiện nhiệm vụ này.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 6 vấn đề cần phải được đánh giá và đẩy mạnh thực hiện, đó là ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất mới; tập trung cứng hóa hạ tầng sản xuất nông nghiệp; cơ chế, chính sách để thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư về nông thôn; đổi mới công tác đào tạo nghề và tập trung giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khâu quyết định hàng đầu để tăng năng suất. Nâng suất tăng thì thu nhập tăng, đời sống người nông dân được cải thiện.
Một vấn đề quan trọng khác tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ đóng góp nhiều ý kiến nhằm tăng cường quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện theo hướng phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương đối với các dự án thủy điện đang vận hành, dự án thủy điện đang xây dựng và xiết chặt quản lý các dự án thủy điện nằm trong quy hoạch. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết riêng về lĩnh vực này gắn với kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều 187 Bộ Luật lao động về tuổi nghỉ hưu…./.