Sáng 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng”.

Tới dự, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cùng nhiều nhà khoa học.

tuyen_giao_1_qbya.jpg
Hội thảo khoa học: “Vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng”.

Khoa học xã hội có chức năng nghiên cứu cơ bản, toàn diện về xã hội và con người Việt Nam, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tham gia thẩm định các chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong 30 năm đổi mới đất nước, nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của khoa học xã hội đã đóng góp thiết thực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu dự hội thảo, hiện có nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội chưa mang lại hiệu quả; tính định hướng xã hội một cách tổng thể, hệ thống của khoa học xã hội chưa thực sự rõ nét, chưa đi thẳng vào các vấn đề nổi cộm. Đặc biệt là vẫn chưa khắc phục được tính giáo điều, khuôn mẫu, hình thức. Chức năng dự báo, tiên phong dẫn đường của khoa học xã hội chưa thật nổi bật.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Khoa học xã hội và nhân văn phải bám sát thực tiễn, bám sát nhân dân, từ trong thực tiễn khái quát thành lý luận, phát hiện cảnh báo sớm những nguy cơ có thể xảy ra để Đảng và Nhà nước kịp thời hoàn thiện chủ trương chính sách của mình.

Đồng thời, phải chủ động đi đầu trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xã hội nhân văn gạn lọc tiếp thu những thành tựu mới trong nghiên cứu xã hội nhân văn quốc tế về quan điểm về kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, vấn đề quản lý sự phát triển của xã hội. Từ đó kịp thời thông tin cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham khảo.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị KHXH và nhân văn nước ta phải đi sâu nghiên cứu, lý giải có căn cứ khoa học góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Đó là nền kinh tế phát triển chưa thật vững chắc, sức cạnh tranh chưa cao, mô hình tăng trưởng kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Vì vậy, đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn nước ta phải lý giải có căn cứ khoa học nhằm góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; phát huy sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong đổi mới tư duy lý luận.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị Khoa học xã hội và nhân văn nước ta phải đi sâu nghiên cứu, lý giải có căn cứ khoa học nhằm góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải những vấn đề cơ bản và chiến lược đã đặt ra nhưng còn chưa được giải quyết thấu đáo; đồng thời, phải luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm và nghiên cứu những vấn đề thực tiễn mới của đất nước cần giải đáp về mặt lý luận trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo./.