Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Người dân khiếu nại, tố cáo nhiều là vì ít khi Chủ tịch xã, huyện tiếp dân hoặc tiếp không đến nơi đến chốn, không có trách nhiệm với nhân dân”. Điều này làm ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy, gây nên những bức xúc trong xã hội.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn. Hồng Điệp – Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ).

092826_1_esvw.jpg
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ)

PV:Việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất được quy định trong pháp luật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Lịch tiếp công dân định kỳ, theo quy định, Chủ tịch tỉnh phải tiếp công dân 1 lần trong 1 tháng; Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp tại trụ sở tiếp dân định kỳ 1 tháng 1 lần. Ở cấp huyện thì 2 lần/1 tháng.

Mặc dù đã có quy định của pháp luật, nhưng qua theo dõi nhiều địa phương, không cứ phải theo luật mà có nhiều lãnh đạo tiếp dân bất cứ thời gian nào, đặc biệt cấp chính quyền như cấp xã không chỉ tiếp tại trụ sở mà Chủ tịch xã còn đến tận nhà dân.

Theo Luật và theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện theo Luật tiếp công dân và người đứng đầu phải thực hiện quy định này. Tuy nhiên, có nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn, đa số là ủy quyền cho cấp phó.

Quan điểm của chúng tôi thì không nhất thiết phải là người đứng đầu nhưng ở nhiều địa phương, đồng chí Chủ tịch vẫn tổ chức tiếp dân trong tất cả các tháng như Quảng Ninh, Tiền Giang... Chủ tịch có thể tiếp tất cả các tháng trong năm thì tại sao các địa phương khác lại lấy lý do bận không tiếp được?

PV:Không phải chỉ đến khi có điểm nóng thì mới thực hiện tiếp công dân phải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Theo Luật, tiếp công dân định kỳ có ngày nhất định, thông báo cho người dân biết. Tuy nhiên, khi nào xảy ra điểm nóng thì thủ trưởng phải tiếp người dân ngay, đó là tiếp đột xuất.

Không chỉ tiếp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà tiếp những nỗi bức xúc vừa phát sinh ngay tại cơ sở. Vừa giải quyết những bức xúc, khiếu nại của người dân, vừa lắng nghe dân để xây dựng chính quyền hoặc tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương của địa phương mình, có như vậy người dân mới ủng hộ.

PV:Việc tiếp công dân mang lại nhiều ý nghĩa và Luật cũng đã có quy định cụ thể, nhưng tại sao hiện nay ở một số địa phương vẫn xảy ra hiện tượng “né” người dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Thứ nhất là sợ, không có đủ bản lĩnh, trình độ để tiếp dân; thứ hai là lười, chưa thấy được trách nhiệm của mình theo Luật và chưa thấy được trách nhiệm của mình với người dân.

Khi được tiếp, người dân cảm thấy người được họ bỏ phiếu bầu có trách nhiệm với dân, người dân được tôn trọng. Ngoài ra, bản thân anh tiếp người dân thì mới biết được nội dung, không chỉ giải quyết khiếu nại tố cáo mà còn hoạch định chính sách, đưa chủ trương của địa phương mình tới người dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật với người dân để họ tham gia, ủng hộ và thực hiện chủ trương, chính sách đó.

PV:Ông có nghĩ rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng có những người trình độ năng lực không đáp ứng để đảm bảo cho những cuộc tiếp dân?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trường hợp này người dân đã phản ánh, không chỉ cán bộ công chức tiếp dân mà ngay cả lãnh đạo cấp huyện, thậm chí cả tỉnh tiếp dân nhưng không có đủ bản lĩnh, đủ thông tin để giải quyết khiến người dân bức xúc hơn.

Chúng tôi từng tiếp xúc, đối thoại với người dân nhưng lãnh đạo địa phương lại không nói bất cứ một câu nào. Như vậy người dân sẽ không tin tưởng và không đồng lòng.

Cũng có người dân bức xúc quá, có những hành động vượt quá quy định của pháp luật như lăng mạ, chửi bới. Với những người như vậy thì cán bộ tiếp dân, cán bộ lãnh đạo cần hết sức bình tĩnh, cần đặt mình vào vị trí người dân tại sao họ lại bức xúc như vậy để lắng nghe họ hoặc từ từ giải thích để người dân thấu hiểu hơn.

PV: Nhớ lại vụ khiếu nại, tố cáo ở Thủ Thiêm, hay trước đó ở Đồng Tâm (Hà Nội), ông có nghĩ rằng, nếu chúng ta kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở thì có lẽ sự việc đã không nghiêm trọng?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Điều đó rất đúng. Khi bức xúc của người dân phát sinh ngay từ đầu mà cấp cơ sở gần dân nhất quan tâm đến quyền lợi của họ, đối thoại giải quyết với họ, thậm chí có gì vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất với cấp trên cùng đối thoại thì sự việc sẽ được giải quyết thấu đáo.

Ngoài việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, qua việc đó để tuyên truyền, vận động người dân đồng hành, ủng hộ chính quyền để thực hiện chủ trương của địa phương cũng như quy định của pháp luật. Nếu bức xúc của người dân để quá lâu thì hệ quả pháp lý và cách giải quyết sau này sẽ rất khó khăn, không chỉ một sớm một chiều.

PV: Những vấn đề người dân chọn để đối thoại hay được muốn giải đáp thường là những vấn đề nóng. Theo ông, để hạn chế bớt tình huống ngoài kịch bản, trước cuộc đối thoại, người lãnh đạo cần quan tâm vấn đề gì để cuộc đối thoại thành công?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Nếu cuộc đối thoại giữa lãnh đạo với người dân mà giải quyết các vấn đề bức xúc theo những phát sinh hàng ngày thì việc đầu tiên là phải lắng nghe. Nhưng tiếp xúc, đối thoại để ban hành quyết định giải quyết thì phải theo quy trình, người lãnh đạo phải nắm được nội dung, trước khi đối thoại phải nghe các ngành, các cấp chuyên môn báo cáo kết quả kiểm tra, hoặc báo cáo nội dung người dân đã khiếu nại để đưa ra quyết sách, hướng người dân vào nội dung khiếu nại, tố cáo hoặc phán ảnh của mình để buổi tiếp dân đạt được kết quả.

Mặt khác, khi đối thoại trực tiếp với người dân thì phải có quy định, thông báo với người dân để họ hợp tác với mình.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bố trí cán bộ tiếp dân cũng cần chú trọng. Bố trí cán bộ tốt, có đạo đức, ngoài am hiểu quy định pháp luật còn am hiểu xã hội thì mới tiếp dân, vận động được người dân.

Theo tôi, cần mạnh mẽ thay đổi, nếu địa phương nào mà thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước để vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài thì nên mạnh dạn thay thế. Chưa có quy định chế tài trong hành chính về xử lý cán bộ vi phạm việc này, nhưng quy định của Đảng có rồi, nên tốt hơn hết người đứng đầu, cơ quan cấp trên nên thay thế người đó.

PV:Xin cảm ơn ông./.