Hôm nay 13/3, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), xem xét quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận do ông Ngô Đức Mạnh được Đảng, Nhà nước phân công nhiệm vụ làm đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, sửa đổi 39/73 điều và bổ sung 2 điều. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Về quy định sắp xếp thứ hạng các trường đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, theo chức năng, sứ mệnh hiện nay đang phân thành 3 loại trường Đại học. Đó là nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Việc đánh giá thứ hạng các loại trường này, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nên cân nhắc theo nhu cầu thực tế của đất nước:
“Không nên nói rằng nghiên cứu là đứng đầu, còn trường ứng dụng thì thấp hơn nghiên cứu, trường thực hành đứng phía dưới nữa. Chúng ta nên thấy rằng tùy theo tình hình kinh tế của mỗi nước, tùy theo kiểm định mà sẽ có đánh giá. Đất nước nào cũng cần nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Đôi khi với nền kinh tế như của nước ta hiện nay đại học về ứng dụng lại rất quan trọng.”, ông Phan Thanh Bình nói.
Góp ý về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn cạnh tranh quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế, diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và hợp tác song phương.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, dự án luật cần khắc phục được những bất cập hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu thực tế về các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, lôi kéo lao động của nhau. Để khắc phục tình trạng này Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung những quy định cụ thể để giảm thiểu việc cạnh tranh không lành mạnh.
“Nếu trường hợp người sử dụng lao động quy định điều kiện ràng buộc trong hợp đồng lao động cũng như trong thỏa ước lao động tập thể, nếu thôi việc thì không được thực hiện công việc này ở một doanh nghiệp cạnh tranh hoặc công việc cạnh tranh ở các doanh nghiệp khác, trong một thời hạn thì sẽ vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong luật này. Phải chăng phải bổ sung trường hợp này nếu không người sử dụng lao động người ta đưa ra điều khoản này đối với người lao động thì người sử dụng lao động đã vi phạm quy định của luật cạnh tranh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.”, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh./.
Thường vụ Quốc hội sẽ cho thôi nhiệm vụ đại biểu với ông Ngô Đức Mạnh
Công bố 6 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội XIV