Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phòng chống tham nhũng đã bám sát chủ trương của Đảng, trong đó, Kết luận số 10-KL/TW đưa ra nhóm giải pháp thứ 8 là: từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Hơn thế, phương án này còn xuất phát từ đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước trong đó, hội nhập quốc tế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính.

Cùng với đó là đòi hỏi từ chủ sở hữu, các thành viên, những người tham gia đóng góp cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ, cũng như tính ổn định của nền kinh tế và môi trường xã hội.

Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đã có quy định về áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

le_khai1_jfvp.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quốc hội)

“Để từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng, thì trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao làm phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cá nhân, tổ chức có liên quan; trên cơ sở đó bắt buộc các chủ thể này phải thực hiện một số biện pháp theo Luật Phòng chống tham nhũng” – ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Theo dự thảo luật, áp dụng đối với tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Qua rà soát cho thấy, các đạo luật chuyên ngành (như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng…) ở một mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quan lý, điều hành, nhưng chưa rõ ràng và đầy đủ.

Vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cần đưa ra quy định về việc áp dụng Luật phòng chống tham nhũng đối với nhóm chủ thể này. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước.

Không phải vì diện kê khai rộng

Về các quy định công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong quá trình chuẩn bị dự án Luật, Chính phủ đều thông qua việc lựa chọn theo phương án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Trung ương Đảng đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới, từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc kiểm soát chưa có hiệu quả không phải vì diện kê khai rộng mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được biến động và xác minh được tài sản, thu nhập.

Do vậy, việc quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết nhằm hình thành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời cũng cần giao cho các cơ quan, tổ chức này chức năng, nhiệm vụ cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bảo đảm tính khả thi.

“Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ý kiến của các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng kê khai, cơ quan, đơn vị kiểm soát, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các kỳ họp tới” – ông Lê Minh Khái nói./.