Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh cũng như quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được xem xét không áp dụng án tử hình.

“Hình phạt tử hình có tính răn đe không nhiều”

Ủng hộ quan điểm của ban soạn thảo, đại biểu Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh toà quân sự cho rằng có thể bỏ thêm hình phạt tử hình ở nhiều tội hơn vì thực tế không áp dụng bao giờ, tính răn đe không cao.

“Có tội bỏ tử hình người dân chưa đồng tình nhưng là người có nhiều năm nghiên cứu luật hình sự, tôi cho rằng không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm. Tử hình có tác dụng răn đe không nhiều”, đại biểu nêu quan điểm.

tran_van_do_tu_hinh_pqiy.jpg
 Đại biểu Trần Văn Độ: "Đừng quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án tử"

Dẫn chứng qua thực tế xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình, đại biểu Độ cho biết nhiều bị cáo khi được hỏi có nghĩ sẽ bị tử hình nếu phạm tội không thì trả lời rằng không nghĩ gì. Với tội phạm ma tuý thì đối tượng nghĩ vận chuyển trái phép một bánh cũng bị tử hình rồi thì 1.000 bánh cũng vậy.

Cũng theo đại biểu, có thời gian chủ trường cho toà tối cao và toà quân sự cấp cao xử lý nhanh, nghiêm đối với tội cướp có giết người, lực lượng công an gặp khó khăn khi đối tượng chống trả rất quyết liệt, lần sau nguy hiểm hơn lần trước vì tư tưởng đằng nào cũng chết.

Lấy ví dụ tội tham nhũng, nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cho biết quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình.

“Tháng 7/2014 Nga có sắc lệnh quy định trước khi khởi tố người tham nhũng tự giác nhận khắc phục cơ bản tài sản thì không bị xử lý hình sự. Nếu phát hiện, khởi tố mà nộp phần lớn hoặc toàn bộ thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Họ nói với tôi từ khi có sắc lệnh mới tài sản thu hồi tăng gấp 5 lần. Do đó ta nên ủng hộ việc khắc phục cơ bản để giảm tử hình mà không nên quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án”, đại biểu Trần Văn Độ đề nghị.

Đại biểu Trần Du Lịch- Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM cũng nhấn mạnh việc xây dựng luật này thể hiện quan điểm của Nhà nước về chính sách hình sự, tránh để cảm xúc chi phối.

“Về phương diện tội phạm học thì tử hình và giảm tội phạm không liên quan trực tiếp. Không phải tử hình là giảm tội phạm mà còn nhiều yếu tố khác. Việc giảm hình phạt tử hình như vậy là hợp lý và xu hướng tôi ủng hộ quan điểm của đại biểu Trần Văn Độ”, ông Trần Du Lịch nói.

Còn theo đại biểu Trương Minh Hoàng- Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Cà Mau, hình sự phải nghiêm khắc nhưng không có nghĩa phải tử hình mới nghiêm khắc. Do đó nghiên cứu giảm tử hình.

Cũng có ý kiến cho rằng không nên căn cứ vào sức khoẻ, trí tuệ của người trên 70 tuổi để phản đối việc không tử hình mà đây đơn thuần là sự nhân đạo của Nhà nước với người già. Đối tượng này vẫn phải ngồi tù mấy chục năm nên khó có thể phạm tội tiếp.

Cân nhắc giảm tử hình vì tội phạm còn phức tạp

Tuy đồng ý với việc giảm án tử hình nhưng với 7/22 tội danh được đề cập trong dự thảo, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách TP Hải Phòng đề nghị cân nhắc giữ lại hình phạt này ở một số tội danh để xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Vinh cho rằng không nên giảm tử hình với người từ 75 tuổi trở lên vì họ là người trải qua cuộc sống, chính chắn, biết hậu quả của các hành vi phạm tội, đặc biệt là các tội phản quốc hay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Giảm tử hình là hướng tiến bộ nhưng phải cân nhắc.

Đại biểu Phạm Xuân Thường- Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc bỏ đi nhiều hình phạt tử hình không phải là biện pháp mà nên quy định dù chưa áp dụng trên thực tế nhưng tương lai có thể áp dụng.

“Nên quy định còn quan trọng là áp dụng trong xét xử như thế nào. Tại sao không xử ít tử hình trong vụ án cụ thể mà lại bỏ đi đối với tội có thể xảy ra trong tương lai? Bỏ tử hình với người trên 70 tuổi cũng không nên”, đại biểu nêu quan điểm.

Bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nguy hiểm, manh động, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị cân nhắc vì bỏ án tử hình với 7/22 tội là nhiều. Thay vào đó nên tiếp tục quy định vì luật hình sự góp phần đấu tranh trấn áp tội phạm, sau này khi tình hình chuyển biến sẽ có bước tiếp theo.

Đồng ý xu hướng giảm hình phạt tử hình, nhưng theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định), lập luận của ban soạn thảo còn thiếu cơ sở.

“Nếu giữ lại hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép ma tuý thì chí ít cũng làm cho người bị thiệt hại yên lòng, người dân tin rằng kẻ nào gây ra tội phải đền tội”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói./.