PV:Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp nhận định: Nghi ngờ vấn đề “sân sau”, “lợi ích nhóm” nếu trước đây chỉ là dư luận thì nay đã cơ sơ sở. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Phạm Tất Thắng:Thời gian qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt, cụ thể có khá nhiều vụ việc được điều tra, quy kết trách nhiệm và xử lý bước đầu. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp được thực hiện công phu, nghiêm túc.
Rõ ràng, qua hai kênh đó thì nhận định như cơ quan thẩm tra là có cơ sở. Bởi vì một số vụ việc điển hình mà cơ quan tố tụng đang xét xử thì có sự kết nối giữa nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có nhóm có quyền lực với nhóm hoạt động trong lĩnh vực của mình. Ví dụ vụ Occeanbank ta thấy có sự trao đi đổi lại về mặt lợi ích giữa hai nhóm chủ thể là phía Ngân hàng Đại dương và phía PVN. Qua những vụ việc như vậy thì có thể nhìn thấy bóng dáng lợi ích nhóm.
ĐBQH Phạm Tất Thắng phát biểu trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV |
PV: Và một số vụ việc cán bộ bị kỷ luật vừa qua cũng có “bóng dáng” đó, thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng:Ở đây có hai khái niệm là lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Một số cán bộ trung – cao cấp bị kiểm tra và qua kết luận có sai phạm thì có biểu hiện lợi dụng vị trí của mình để tạo lợi ích cho mình, gia đình mình hay đối tác. Một khi có sự đan xen móc nối với nhau thì lại tạo thành lợi ích nhóm.
Rõ ràng ở đây ta phải nhìn nhận nghiêm túc và rút kinh nghiệm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, cũng như có quy định chặt chẽ để cán bộ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì lợi ích riêng hay lợi ích nhóm.
PV:Liên quan công tác cán bộ mà ông đề cập, dư luận lâu nay và thực tế nhiều trường hợp cụ thể cũng cho thấy biểu hiện tiêu cực?
Ông Phạm Tất Thắng: Ở một số địa phương, đơn vị có hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân, rồi số lãnh đạo quản lý nhiều hơn chuyên viên; thậm chí bổ nhiệm người thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, có trường hợp quy trình không đầy đủ...
Biểu hiện bất thường như vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi về động cơ bổ nhiệm, thậm chí quy kết có lợi ích nhóm và dư luận đặt vấn đề như vậy là cũng có cơ sở.
PV: Hiện có tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”, tức Trung ương quyết liệt nhưng cấp dưới chưa chuyển động là bao. Nhận định của UBTP còn cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở cấp tỉnh?
Ông Phạm Tất Thắng: Báo cáo thẩm tra dựa trên báo cáo của Chính phủ và qua giám sát ở hai phạm vi nhất định cho phép rút ra những nhận xét bước đầu, còn để có khẳng định chắc chắn thì cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục có sự giám sát.
Nhưng thực tế thì vừa qua chỉ đạo của cấp Trung ương là rất quyết liệt, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, nhiều vụ án cấp Trung ương được điều tra xét xử công minh và có nhiều giải pháp triển khai công tác này. Còn theo cảm nhận của tôi thì tôi tán thành với nhận định trong báo cáo của Uỷ ban Tư pháp.
PV:Chúng ta nói nhiều về việc thanh tra, kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn cũng như phát hiện và xử lý vi phạm. Theo ông, công tác này thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu chưa?
Ông Phạm Tất Thắng: Ta có hệ thống kiểm tra của Đảng, thanh tra của Chính quyền, tất cả các ngành đều có thanh tra, nhưng thực tế phần lớn vụ việc sai phạm do báo chí, dư luận xã hội phát hiện, sau đó cơ quan chuyên ngành mới vào cuộc. Nhiều vụ việc là do cơ quan cấp trên phát hiện. Gần đây hoạt động kiểm tra của Đảng phát huy vai trò rõ hơn, xem xét vụ việc cụ thể.
Việc quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra là phải phát huy chức năng phòng ngừa vi phạm. Qua hoạt động này có thể phát hiện ngay từ dấu hiệu vi phạm và có biện pháp ngăn ngừa thì không gây hậu quả, không mất cán bộ. Muốn làm được điều này thì phải cải tiến quy trình và cách thức cũng như nâng cao trách nhiệm cán bộ thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tân Tổng Thanh tra Chính phủ từng là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã gửi đi thông điệp thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm để góp phần đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
PV: Nhiều báo cáo trước đây được coi là nhạy cảm thì cử tri có thể theo dõi qua sóng trực tiếp như báo cáo về phòng chống tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV có tới 11/26 ngày làm việc được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Những nội dung như bạn nói là trước đây được cho là nhạy cảm thì kỳ này cử tri được theo dõi qua sóng trực tiếp.
Điều đó thể hiện sự công khai, minh bạch để nhân dân biết và giám sát hoạt động của Quốc hội. Công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm, Trung ương chỉ dạo quyết liệt nên việc phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận các báo cáo tư pháp là việc làm cần thiết để cử tri theo dõi hoạt động Quốc hội, đồng thời đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của cử tri trong giai đoạn hiện nay, củng cố lòng tin của nhân dân để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, liêm chính, vì dân.
PV: Qua những phát biểu của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cũng như thực tế thì có thể thấy công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy lên một giai đoạn cao hơn, thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng: Thời điểm này chúng ta không thể không làm quyết liệt vì tham nhũng kéo lùi lại, làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng tới đạo đức xã hội và việc đấu tranh quyết liệt là mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Qua tiếp xúc cử tri có thể thấy rằng nội dung phòng chống tham nhũng, suy thoái đạo đức trong cán bộ rất được quan tâm, nên những vụ việc sai phạm, tiêu cực, tham nhũng không xử lý rốt ráo thì ảnh hưởng niềm tin của nhân dân.
Trung ương Đảng, Nhà nước đang thể hiện quyết tâm rất cao. Với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì Tổng Bí thư có chỉ đạo cụ thể, vừa qua đã cương quyết điều tra, xét xử nhanh, nghiêm một số vụ án lớn; điều chỉnh quy định đối tượng, cách thức kê khai tài sản... ,Với Nhà nước thì tại Kỳ họp này Quốc hội sửa luật PCTN, rồi thảo luận công khai các báo cáo phòng chống tham nhũng...
Những công việc đó thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chắc chắn sẽ được cử tri, nhân dân hưởng ứng để thời gian tới phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo tôi cần hướng dẫn kê khai từng cấp quản lý, gắn với đó là giải pháp xác minh, xử lý cụ thể với trường hợp biến động tài sản rất lớn mà không lý giải rõ ràng nguồn gốc. Nếu tài sản hợp pháp thì có ý kiến bảo vệ cán bộ, còn nguồn gốc bất thường thì phải kịp thời làm rõ” - đại biểu Phạm Tất Thắng.