Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại Hội trường về dự án Luật căn cước công dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 19/8/2014, Văn phòng Quốc hội đã gửi dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Thảo luận về dự án Luật này chiều nay (8/9), nhìn chung các đại biểu Quốc hội chuyên trách đều đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo; đồng thời cho rằng dự án luật đã được chuyển bị khá công phu, có thể xem xét để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về cơ sở dữ liệu quốc gia và công dân; đặc biệt là việc tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Về cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằngviệc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.

Như vậy, với việc cấp thẻ này, trẻ em khi sinh ra vẫn làm thủ tục đăng ‎ký khai sinh nhưng thay cho việc cấp giấy khai sinh sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, trong đó có ghi số định danh cá nhân. Việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Để bảo đảm việc cấp thẻ Căn cước công dân thay thế cho giấy khai sinh theo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của Luật hộ tịch và tạo thuận lợi cho công dân, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 19 về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân và Điều 24 về thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn băn khoăn về việc quy định Thẻ Căn cước thay thế giấy khai sinh nhưng thực tế nhiều nơi yêu cầu phải có, vì hiện tại cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đảm bảo.

“Không ghi tên cha mẹ trên thẻ mà có thông tin trong chíp nhưng khi đưa cháu bé đến bệnh xá khám bệnh thì có cần khai không, bệnh viện có thông tin về cha mẹ không? Tôi cho rằng cơ sở vật chất hiện nay không tiện. Con tôi vừa rồi đậu đại học mà cháu về bảo phải xin nhiều giấy khai sinh để nộp. Vậy tôi nghĩ quy định không cần nhưng nhiều nơi vẫn đòi phải có”, đại biểu đặt vấn đề.

dai_bieu_chuyen_trach_3_dtlc.jpgHội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Nhấn mạnh về việc cấp đổi thẻ, đại biểu Trần Đình Long cho rằng theo quy định như dự thảo luật thì mỗi người từ khi sinh ra đến về già phải đổi thẻ nhiều lần, gây tốn kém và thêm thủ tục.

“Năm nào cũng có hàng triệu người phải cấp mới và cấp đổi là hết sức tốn kém. Do đó thiết kế thời điểm cấp đổi phải tính đến hiệu quả. Số định danh không thay đổi qua các lần thay đổi thì sao phải thay đổi thẻ liên tục, sao không cập nhật? Đó là chưa kể đến sự trùng lắp thông tin khi nhiều  người trong gia đình phải khai báo. Ngoài ra, người dân cần biết họ nhận thẻ ở đâu, luật phải làm cho rõ”, đại biểu Trần Đình Long nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Ngô Văn Minh, dự án Luật được xây dựng là sự tiếp nối đề án 896 được thí điểm, tuy nhiên tổng kết về tính khả thi chưa được báo cáo giải trình rõ. Trên cơ sở đó, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính cũng chưa được đề cập thuyết phục. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu kỹ.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc tiếp thu và giải trình về việc lựa chọn số định danh là 9 số hay 12 số chưa thuyết phục. Việc khai thác thông tin của người dân cũng cần được phân cấp chứ không phải ai có máy đọc đều biết mọi thông tin./.

Dự thảo Luật quy định Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân của người từ đủ 14 tuổi trở lên gồm thông tin sau:

a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; ảnh, số định danh cá nhân, họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, nguyên quán, nơi thường trú của người được cấp thẻ; thời hạn sử dụng của thẻ;

b)  Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu của cơ quan cấp thẻ.

2. Thẻ Căn cước công dân của người chưa đủ 14 tuổi gồm các thông tin sau:

a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; số định danh cá nhân, họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký khai sinh, giới tính, dân tộc, nguyên quán, nơi thường trú của người được cấp thẻ; thời hạn sử dụng của thẻ;

b)  Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; họ và tên cha, họ và tên mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu của cơ quan cấp thẻ.