Mở đầu phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch, nhiều đại biểu tại tổ Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương… bày tỏ quan điểm nên gộp 2 luật này thành 1.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Hiện nay, lĩnh vực hộ khẩu do công an quản lý còn hộ tịch do ngành tư pháp quản lý. Thành ra có 2 đạo luật, chồng chéo mâu thuẫn. Chúng ta nên cân nhắc để giúp cải cách thủ tục hành chính thuận lợi nhất cho người dân.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, hai luật này nếu đưa vào làm 1 để chung đầu mối quản lý thì tốt hơn. Hai luật hai bộ khác nhau nhưng trùng lắp rất nhiều. Hai luật này nếu được ban hành cùng nhau thì công dân lại thêm vất vả chứ không giản tiện cho công dân. Phần duy trì giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn… thì không phải duy trì nữa nếu 2 luật này được gộp vào 1. Bây giờ có thẻ căn cước công dân rồi mà vẫn duy trì giấy khai sinh thì không cập nhật. Tính khả thi của hai luật này với điều kiện vật chất hiện nay thì nhiều vùng sâu, xa không thực hiện được. "Theo tôi, Chính phủ nên giao 1 bộ quản lý, hoàn thành 1 bộ luật hoàn chỉnh về hộ tịch và căn cước công dân. Hai luật trùng nhau quá nhiều, từ khai báo cho đến làm căn cước công dân… không có gì khác nhau".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bổ sung, kể cả Luật cư trú cũng có thể gộp chung vào. Ví dụ, cải chính hộ tịch thì phải đến Công an đổi chứng minh thư… rồi mang sang xã để cải chính hộ tịch. “Luật Hộ tịch tôi nhớ là Ủy ban Pháp luật đã bác 2 lần rồi với lý do không làm rõ được sự khác biệt giữa 3 dự án luật đó”.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) dẫn chứng việc đi làm lại chứng minh thư do bị mất và nói “Rất vất vả”. Làm giấy tờ, cung cấp thông tin, cấp giấy tờ… thủ tục phải nhanh gọn. “Đến một chỗ nào đó làm giấy tờ là đã có người hỏi “cần làm nhanh, lấy nhanh không”.
Vì thế, theo quan điểm của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, nếu thông tin cá nhân do 1 cơ quan quản lý, cấp mã số từ đầu thì không có chuyện sai lệch nhiều. Nếu không làm tốt điều này sẽ có sự chồng chéo, mâu thuẫn thì sau này người dân cũng rất khổ. Từ khi sinh ra đã có thẻ căn cước thì nên lấy số liệu của công an làm cơ sở cho các giấy tờ khác, thuận lợi cho việc quản lý.
Đóng góp ý kiến cho Dự án Luật căn cước công dân, đại biểu Vũ Hải (đoàn Bình Thuận) nêu băn khoăn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho rằng, nên qui định rõ về ảnh chân dung trong Luật, về kích cỡ… để không cần giải thích, hướng dẫn thêm.
Nơi đăng ký khai sinh, theo đại biểu Vũ Hải, trước kia công dân phải khai cụ thể là “Tại nhà hộ sinh A, quận, huyện, thành phố”. “Trong Luật phải nói rõ “nơi sinh” là địa phương nơi mình sinh ra hay cả tên nhà hộ sinh, bệnh viện...”.
Ngoài ra, trên thẻ căn cước cũng cần xem xét lại việc ghi “Quê quán”. Theo hướng dẫn, quê quán là nơi sinh của bố. Vậy, nếu bố sinh ở Moscow, thì quê quán ở đâu? “Qui định nguyên quán, quê quán là không cần thiết” – đại biểu Vũ Hải nói.
Liên quan đến Thẻ căn cước, theo đại biểu Vũ Hải, hiện nay, nhiều giao dịch liên quan đến chứng minh thư nhân dân (CMT) (mua bán nhà cửa, hợp đồng… đều có số CMT) nhưng hiện nay trong thẻ căn cước lại không thể hiện số CMT (trong việc kê khai dữ liệu thì có). Nhưng khi xuất trình thẻ căn cước để giao dịch, làm việc thì lại không có thông tin về CMT. “Với những người được cấp thẻ căn cước mới thì không có vấn đề gì, nhưng những người đã có CMT rồi thì phải xử lý ra sao, hay sẽ mang đồng thời 2 loại giấy tờ?” – đại biểu Vũ Hải đặt câu hỏi.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Vũ Hải, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Ninh Thuận) khẳng định, thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nên phải chính xác, đầy đủ và thống nhất, phù hợp với nội dung thẻ căn cước.
Nơi đăng ký khai sinh phải thống nhất, chính xác hơn. Từ trước tới nay, “Nơi sinh” người thì khai ở bệnh viện, người khai ở xã, thôn, xóm… không phản ánh được điều gì khi muốn nắm bắt thông tin. Nhiều tờ khai yêu cầu khai “Quê quán”, nơi thì yêu cầu “Nguyên quán”… trong luật phải thống nhất điều này.
Hạn sử dụng thẻ căn cước, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, công dân từ trên 15 tuổi thì 15 năm phải làm mới một lần. Còn trên 60 tuổi thì không cần cấp hạn sử dụng nữa. “Khoảng từ 15-25 tuổi thay đổi rất nhiều như việc học tập, thành lập gia đình, đi làm… nên tính toán thế nào để mang tính ổn định, dễ nhớ” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nói.
Ở nội dung qui định về việc thu hồi thẻ căn cước dựa trên ngày, tháng, năm công dân chết như dự thảo, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc là không khả thi. “Người chết rồi thì không thể khai báo được. Còn người khác là người nào phải qui định cụ thể để đảm bảo sự chính xác” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nói.
Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: “Bây giờ nhiều người đã chết nhưng không được khai chết để người sống hưởng tiền cao tuổi. Nhiều người chưa đến 80 lại khai 80 tuổi để hưởng trợ cấp người già”.
Khẳng định việc xây dựng dữ liệu quốc gia về công dân là cần thiết, Đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Ninh Thuận) vẫn có một băn khoăn là hiện nay máy tính trang bị đến phường xã nhưng chủ yếu là để đánh máy chữ. Cùng với đó, cách làm như thế nào cho đỡ tốn kém nhất. Bởi, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, cơ quan Nhà nước… đều có đầy đủ cơ sở dữ liệu. “Nên chăng, chúng ta không phải làm mới từ đầu mà các hệ thống này phải tích hợp lại và phải theo chuẩn chung để đỡ tốn kém. Nếu không tính toán thì cơ sở dữ liệu cũ không được sử dụng hiệu quả” – Đại biểu Ngô Đức Mạnh nói./.