Thiếu tướng Trần Văn Vệ- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội |
Để người dân hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
PV: Thưa ông, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là một trong những cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ và Bộ Công an về Dự án Luật Căn cước công dân. Vậy, xin ông cho biết, việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gì mới và vượt trội hơn so với việc sử dụng Chứng minh nhân dân như hiện nay?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Quan điểm khi xây dựng Dự thảo Luật Căn cước công dân mà Chính phủ trình Quốc hội là hướng tới phục vụ nhân dân, cải cách hành chính, giảm những phiền hà cho nhân dân. Ưu điểm vượt trội của căn cước công dân là quá trình triển khai thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ tin học khá hiện đại, đảm bảo giá trị bền, đẹp và dự kiến 12 số trong thẻ căn cước công dân sẽ là số định danh cá nhân theo suốt cuộc đời con người, từ khi sinh ra đến khi mất đi, không trùng người này với người khác.
Nếu Dự án Luật được thông qua, công dân từ khi sinh ra cho đến 14 tuổi sẽ được cấp căn cước thay vì giấy khai sinh như trước. Từ 14 tuổi trở lên, chỉ cần đổi thẻ, thêm ảnh và đặc điểm nhận dạng. Khi Bộ Công an được Chính phủ duyệt và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân đến giao dịch với các cơ quan nhà nước. Nó như một chìa khóa để mở, chỉ cần sử dụng số định danh nhập vào máy thì sẽ có được những thông tin cơ bản nhất của con người, không cần phải mang sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, kết hôn hoặc các giấy tờ khác, vì vậy đã góp phần cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.
Một điểm mới nữa là nếu như Dự án Luật được thông qua, với quan điểm phục vụ nhân dân, như chứng minh nhân dân trước đây (với 9 số) là để đảm bảo việc quản lý của nhà nước, nhưng nay đã xem xét miễn phí cho người cấp lần đầu. Chỉ những người cấp đổi, cấp lại mới phải nộp lệ phí. Đặc biệt, việc cấp thẻ căn cước này không thể bị làm giả, không để tình trạng 1 người có 2 hoặc 3 số chứng minh nhân dân, nhiều năm cũng không thể trùng số được. Đây là những ưu điểm vượt trội của căn cước công dân so với chứng minh nhân dân cũ.
PV: Theo Tờ trình, dự kiến nếu Dự án Luật Căn cước công dân được thông qua thì đến giữa năm 2015, công dân bắt đầu được cấp thẻ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thay đổi chứng minh nhân dân mới 12 số như hiện nay là chưa phù hợp với một bộ phận lớn những người ở độ tuổi lao động, đặc biệt trong các giao dịch dân sự có liên quan sử dụng Chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Vậy ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Khi Bộ Công an triển khai cấp Chứng minh nhân dân với 12 số thay cho 9 số trước đây, chúng tôi đã có 2 thông báo gửi các ngân hàng và cơ quan nhà nước liên quan để khẳng định việc công dân sử dụng chứng minh nhân dân 9 số và 12 số là có giá trị như nhau. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa đồng tình, vẫn yêu cầu phải xác nhận chứng minh nhân dân 12 số, gây phiền hà cho công dân. Vì vậy, Bộ Công an đã ban hành Thông tư hướng dẫn công an các địa phương khi công dân đến cấp Chứng minh nhân dân mới thì phải xác nhận cho công dân. Nhưng tình trạng công dân sử dụng tới 2 -3 giấy xác nhận đã gây khó khăn cho cán bộ trực tiếp làm giấy Chứng minh nhân dân, cũng đồng thời làm khó khăn cho công dân. Ngay sau đó, Bộ Công an tiếp tục ban hành Thông tư quy định cắt góc trả chứng minh nhân dân cũ cho công dân. Như vậy, công dân được tạm thời sử dụng chứng minh nhân dân cũ bị cắt góc trong các giao dịch dân sự như hiện nay.
PV: Chứng minh nhân dân mới 12 số có điểm giống với quy định của thẻ căn cước công dân, cùng là mã số định danh cá nhân trong tương lai và có giá trị suốt đời. Vậy nếu Dự án Luật Căn cước công dân chính thức thông qua thì việc triển khai cấp chứng minh nhân dân mới 12 số sẽ như thế nào? Với những công dân đã được cấp thí điểm Chứng minh nhân dân mẫu mới thì sẽ xử lý ra sao, thưa ông?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Khi Dự án Luật chính thức được thông qua thì những người dùng Chứng minh nhân dân 9 số hoặc 12 số sau khi luật có hiệu lực từ 1/1/2016 vẫn có giá trị sử dụng. Những địa phương chưa có điều kiện về hạ tầng thông tin, con người, kinh phí… thì tạm thời vẫn cấp 9 số, nhưng chậm nhất đến năm 2020 toàn quốc phải thực hiện xong thẻ căn cước công dân và chứng minh nhân dân 12 số.
PV: Xin cảm ơn ông!./.