Phiên họp thứ 27 của UBTVQH dự kiến diễn ra trong hơn 10 ngày (từ 10-20/9) với nhiều nội dung quan trọng. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp,UBTVQH sẽ cho ý kiến về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.

Theo quy định, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

ubtvqh_wwcu.jpg
Phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Một nội dung khác đáng chú ý được thảo luận tại phiên họp này là Đề án và dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC liên quan công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Theo chương trình, 8 dự án luật cũng được trình để xin ý kiến, trong đó có một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) hay dự án Luật Hành chính công được xây dựng từ sáng kiến lập pháp của nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.../.