Ngày 18/12, tại TPHCM, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc tiếp tục thảo luận chuyên đề nghiên cứu “Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền trình sáng kiến luật của đại biểu Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy, nhìn chung các quy định của pháp luật hiện hành về quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội còn thiếu, chất lượng và hiệu quả chưa cao; số lượng đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật còn quá ít và chưa có đại biểu nào thực hiện thành công quyền trình sáng kiến pháp luật. 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày những kinh nghiệm của quốc tế và giải pháp tháo gỡ để quyền trình sáng kiến của đại biểu Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp được thực thi. Trong đó cần sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 để tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến luật.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, đề cập đến trình dự án luật có nghĩa là trình một chính sách và chính sách đó được biến thành quy phạm pháp luật để áp dụng và bắt buộc mọi người phải thực hiện nên phải am hiểu lĩnh vực đó. Vì vậy, đại biểu phải cân nhắc, tính toán thật kỹ và khi dự kiến trình dự án thì phải gắn với cơ quan của Quốc hội, coi việc thực hiện quyền này vừa là quyền vừa là nhiệm vụ./.