Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm lần này điều chỉnh các nội dung về chính sách tín dụng ưu đãi, tạo việc làm cho người lao động; chính sách việc làm công; bảo hiểm thất nghiệp; hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm; điều kiện cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung quan trọng vào dự thảo, sau khi được Quốc hội góp ý tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung quan trọng vào dự thảo Luật việc làm (Ảnh: Vietnamnet) |
Trung tâm việc làm không nên “ôm việc”
Góp ý vào nội dung cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đại biểu Lê Trọng Sang, đoàn thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho rằng, để Luật hoàn thiện hơn, cần nêu rõ Chính phủ quy định cụ thể điều kiện thành lập, điều kiện tổ chức, quản lý hoạt động cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Việc quy hoạch mạng lưới cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh quyết định và có sự tham khảo ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhằm quản lý tốt hơn và đáp ứng nhu cầu thi cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của người lao động ở địa phương.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, nghệ nhân là đối tượng rất tích cực trong tham gia đào tạo nghề, nhất là những nghề truyền thống, cần được bảo tồn; song vướng mắc ở chỗ họ không được cấp chứng chỉ hành nghề, do đó Luật việc làm cần bổ sung, quan tâm tới đối tượng này.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, đoàn Đồng Nai cho rằng, nên khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể, quân đội tham gia vào công tác giới thiệu và đào tạo việc làm cho lao động. Nếu đề các Trung tâm việc làm cấp tỉnh “ôm” hết việc sẽ dẫn tình trạng độc quyền, tăng chi phí trong giải quyết việc làm cho người lao động.
Việc giải quyết chi trả BHXH, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị giao cho BHXH địa phương, không nên giao cho Trung tâm việc làm, bởi nhiều người lao động nghèo, ở vùng xa không có điều kiện “xuống tỉnh” để giải quyết.
Cần mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Có ý kiến cho rằng, viên chức là đối tượng rất ít khi bị thất nghiệp, do đó đề nghị không nên quy định viên chức phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc cần có chính sách để sau khi về hưu họ được hưởng một khoản trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi theo nguyên tắc đóng – hưởng.
Trong báo cáo giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hộithấy rằng, Điều 2 Luật viên chức quy định viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lậplà đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,792 triệu người, trong đó, số viên chức đóng bảo hiểm thất nghiệp là 1,783 triệu người, chiếm khoảng 21,36% tổng số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, giai đoạn 2010 – 2013 cả nước có 17.328 người thuộc khu vực sự nghiệp công được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Vì vậy, việc tiếp tục quy định viên chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 44 của dự thảo Luật là phù hợp. Đồng thời, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có tính chất chia sẻ cao giữa những người cùng tham gia và người lao động chỉ được hưởng chính sách này khi gặp rủi ro mất việc làm.
Đồng thời, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, vì khó kiểm soát được tình trạng thất nghiệp và chưa phù hợp với khả năng quản lý, tổ chức thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mục tiêu mở rộng an sinh xã hội cho người lao động là cần thiết trong quá trình phát triển thị trường lao động. Với điều kiện hiện nay, việc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng sẽ có những khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện.
Đối tượng này tuy có mức độ ổn định yếu hơn nhưng là đối tượng đã có quan hệ lao động, cần thiết phải thu hút để tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước và người sử dụng lao động. Để nâng cao tính khả thi của chính sách, các cơ quan BHXH và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra, tạo cơ hội cho nhóm lao động này tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm an sinh cho mình./.