Nhận trách nhiệm về tình trạng một số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, một số trường mở nhiều ngành học về xã hội, về kỹ thuật ít, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trong một thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục trong đó có giáo dục đại học được chú trọng về quy mô, số lượng, nhưng chưa chú trọng đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nội dung chương trình, phương pháp dạy học của các trường đại học chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có, tổ chức đào tạo theo khả năng hiện có, chưa chú ý đến hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó, quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho các trường ĐH, CĐ còn thiếu tính chặt chẽ, chưa chú trọng nhu cầu thực tế của xã hội; các chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển thực tiễn trong nước và thế giới; nội dung đào tạo mới truyền đạt kiến thức một chiều, chưa chú trọng rèn các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh và quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và chưa được chú trọng nâng cao.

viec-lam_mevt.jpg

Sinh viên ra trường thiếu việc làm có trách nhiệm của ngành Giáo dục

Để hạn chế tình trạng trên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập các trường đại học, cao đẳng, cải tiến thay đổi quy trình cấp phép thành lập và khắc phục tình trạng trường được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có giáo viên mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo.

Bộ cũng đã quy định các trường đại học khi có dự án phù hợp quy hoạch phát triển KTXH mới được xem xét cấp phép thành lập. Khi đã có dự án, để được cấp phép phải triển khai thực hiện theo cam kết như dự án, phải có cơ sở vật chất, phải có đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường…

Bộ cũng có cảnh báo với các trường có nhu cầu mở thêm chuyên ngành về các lĩnh vực đào tạo đã có quy mô đào tạo lớn, thông báo về sự bão hòa của thị trường, đề nghị ưu tiên mở các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc đáp ứng điều kiện thành lập trường và có quyết định xử lý hành chính đối với những trường không tuân thủ quy định. Bộ cũng chủ động rà soát và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đại học phù hợp với quy hoạch đào tạo nhân lực và định hướng phát triển kinh tế xã hội.

Bộ cũng chỉ đạo các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo với sự tham gia của các doanh nghiệp, của các nhà sử dụng lao động và công bố các chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành; chỉ đạo các nhà trường công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để học sinh, sinh viên cân nhắc lựa chọn, để các nhà sử dụng lao động xem xét cân nhắc lựa chọn đầu ra và cả xã hội giám sát./.