Liên Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
Trong những Nghị định trên có một số điểm quy định mới so với những quy định trước đây về chính sách miễn, giảm học phí. Đó là phương thức cấp bù tiền miễn, giảm cho các đối tượng miễn, giảm học phí học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thay đổi. Bên cạnh đó là thực hiện miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập; Sửa đổi việc miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học các ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số nội dung có liên quan khác.
Để giúp người dân hiểu rõ và đúng về những đối tượng được miễn, giảm học phí và những điểm mới trong Thông tư liên tịch số 20, phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn ông Đinh Minh Tùng, Phó Trưởng phòng Tài chính, Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Giáo dục- Đào tạo).
Từ năm nay, sinh viên trường ĐH, CĐ ngoài công lập thuộc diện gia đình chính sách được miễn học phí (ảnh minh họa)
Khắc phục bất cập trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí
PV:Xin ông cho biết tại sao phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phải thay đổi?
Ông Đinh Minh Tùng:Trước đây theo quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí được nhận tiền miễn, giảm học phí (qua gia đình người học) tại địa phương (thông qua các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện). Đây là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí và gây bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua.
Để khắc phục bất cập trên, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 chuyển sang phương thức cấp trực tiếp cho người học thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Thông tư liên tịch số 20 vừa được Liên Bộ ban hành đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và hồ sơ để người học thuộc diện miễn, giảm học phí được miễn, giảm trực tiếp ngay tại Nhà trường và được hưởng trong suốt thời gian học tập; đồng thời Thông tư cũng quy định trách nhiệm thẩm định hồ sơ miễn, giảm học phí và chế độ báo cáo của nhà trường đối với cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính để được cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho người học. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục hành chính cho người học trong việc nhận tiền miễn, giảm học phí.
Miễn học phí cho sinh viên trường ngoài công lập thuộc diện chính sách
PV:Được biết, Thông tư liên tịch số 20 cũng hướng dẫn việc miễn, giảm học phí cho người học thuộc diện miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập. Xin ông nói rõ thêm về nội dung này?
Ông Đinh Minh Tùng
Ông Đinh Minh Tùng:Tại Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập được cấp bù tiền miễn, giảm học phí (mức cấp bù bằng với mức trần học phí tương ứng với nhóm ngành nghề theo quy định của Nghị định số 49). Điều này đảm bảo sự công bằng về chính sách đối với học sinh công lập và ngoài công lập. Đây là điểm quy định bổ sung rất mới, góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách khi theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập (Trước đây theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục -Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ, đã quy định hỗ trợ cho con của người có công với cách mạng khi đi học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập nhưng mức hỗ trợ thấp, chỉ từ 150.000đồng/tháng đến 250.000 đồng/tháng).
Thông tư liên tịch số 20 đã hướng dẫn cụ thể việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập. Đó là người học thuộc diện miễn, giảm học phí khi theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập sẽ được miễn, giảm học phí. Mức cấp bù tiền miễn, giảm học phí tương ứng với các nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 49 tương tự như các trường công lập. Có thể nói, đây là điểm mới nhất, áp dụng đối với sinh viên đang học tại trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mà từ trước đến nay, chưa có Nghị định, Thông tư nào quy định. Điều này đã góp phần hỗ trợ sinh viên thuộc diện gia đình chính sách học trường ngoài công lập có thêm tiền đóng học phí.
Không phải sinh viên trường Sư phạm nào cũng được miễn học phí
PV: Thưa ông, từ nhiều năm nay, sinh viên học ngành Sư phạm hệ chính quy đã không phải đóng học phí. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại đề cập vấn đề này trong Thông tư liên tịch 20 và liệu có sự thay đổi gì không?
Ông Đinh Minh Tùng: Theo quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ đã quy định học sinh, sinh viên ngành sư phạm thuộc đối tượng không phải đóng học phí. Thông tư liên tịch 20 hướng dẫn một số điều của Nghị định 49 và Nghị định 74 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49 chỉ hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng này. Đó là học sinh, sinh viên ngành Sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước thuộc diện không phải đóng học phí. Các chính sách của Nhà nước ưu tiên cho người học ngành Sư phạm không có gì thay đổi so với trước đây.
Tuy nhiên,trong thực tế, thời gian qua có rất nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí học các ngành không phải ngành Sư phạm trong trường Sư phạm gặp vướng mắc trong việc thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí của Nhà nước. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 17 của Thông tư liên tịch 20 này tại nội dung tổ chức thực hiện đã hướng dẫn cụ thể hơn việc miễn, giảm học phí cho đối tượng này, theo đó người học thuộc diện miễn, giảm học phí nếu học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học học các chuyên ngành khác (không phải là ngành Sư phạm) trong các trường Sư phạm công lập thì sẽ được miễn hoặc giảm học phí tương ứng với từng đối tượng.
Giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học nghề độc hại, nguy hiểm
PV:Trước đây Nghị định số 49 và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của Liên Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49 đã quy định giảm 70% học phí đối với học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nặng nhọc, độc hại. Tại sao trong Thông tư liên tịch số 20 lại nhắc lại các đối tượng này, có gì khác gì so với quy định trước đây không, thưa ông?
Ông Đinh Minh Tùng:Đúng là theo quy định của Nghị định số 49 thì đối tượng được giảm 70% là học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số chuyên ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại. Nhưng Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 thì quy định này đã được sửa đổi là học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định.
Thông tư liên tịch 20 hướng dẫn cụ thể hơn đối tượng được giảm 70% học phí là chỉ áp dụng đối với học sinh, sinh viên đang học các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với lĩnh vực dạy nghề; học sinh, sinh viên học đại học, cao đẳng sẽ không thuộc đối tượng giảm 70% học phí. Theo tôi được biết thì hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề và đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm ban hành trong thời gian tới.
PV:Xin cảm ơn ông!./.