Luật về hội lần đầu tiên trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Được đánh giá là dự án luật khó, nhiều vấn đề nhạy cảm, nhiều ý kiến cho rằng Luật ra đời không những đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp mà cần khắc phục được những hạn chế, tồn tại của hội trong thời gian qua.
Hội không thể như một “Bộ phẩy”
Liên quan đến quy định chính sách về hội, đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ nhấn mạnh, đừng biến hội thành cơ quan hành chính nhà nước.
“Đã có nhiều Bộ và tương tự các bộ lại có các hội làm thêm “bộ phẩy” là không nên. Bởi lại vẫn lấy kinh phí nhà nước, lãnh đạo đạo Bộ sau khi về hưu lại lãnh đạo hội và nhà nước bảo đảm lương, xe ô tô, trụ sở là không được”, ông Lê Như Tiến nói, đồng thời nhấn mạnh trừ một số hội do Đảng, Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ, còn lại phải hướng về lợi ích hội viên và tự chủ tài chính trên cơ sở đóng góp của hội viên chứ không dùng ngân sách như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến |
Đại biểu Tiến cũng lưu ý thêm: Hội là tổ chức tự nguyện thì không nên cồng kềnh ban này, phòng kia, hệ số lương. Các hội đang được ngân sách hỗ trợ cũng phải giảm bớt vì bánh ngân sách rất nhỏ trong khi có hàng vạn nhu cầu chi tiêu như phát tiển y tế, giáo dục, hỗ trợ đồng bào, an ninh quốc phòng và nhiệm vụ trọng tâm khác.
Luật về hội làm sao đó đừng có chế định rằng Nhà nước phải bao cấp, đầu tư. Dùng từ này nhiều quá là không nên mà đúng nghĩa là tự nguyện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Không để hội phình ra ban nọ, phòng kia trong khi bộ máy đang muốn thu gọn, tinh giản.
“Cứ rời ghế về hưu lại thành chủ tịch hội, lại vẫn lĩnh lương, chễm chệ sáng đón đi chiều đón về, ngồi ở phòng làm việc thậm chí hoành tráng hơn cấp bộ là không thể được. Lưu ý chính sách của hội và điều kiện cơ chế hội phải đúng nghĩa là hội”, đại biểu Lê Như Tiến nói.
Hội ở tỉnh giàu khác hội ở tỉnh nghèo?
Đại biểu Trương Thị Huệ - Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, cho rằng Luật về hội cần khắc phục một thực tế lâu nay là phân biệt rõ hội nào do Đảng, Nhà nước có nhu cầu thành lập và được hưởng ngân sách, hội nào tự đảm bảo trên tinh thần tự nguyện.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ |
“Cả nước có tới 52.000 hội. Không có kỳ tiếp xúc cử tri nào mà không có ý kiến đề nghị hỗ trợ kinh phí cho hội. Luật không quy định thì tiếp xúc cử tri chúng ta mới có cơ sở pháp lý phản ánh lại. Luật này phải khắc phục được việc hội giống hành chính nhà nước”, đại biểu Huệ đề nghị.
Đi vào dự thảo Luật về hội, đại biểu Huệ cho biết các điều cụ thể của luật vẫn mang tính hành chính, chưa thể hiện được hội nào Nhà nước hỗ trợ. Luật nêu cụ thể thì không có chuyện tỉnh có điều kiện thì hỗ trợ, hay nơi hỗ trợ ít, nơi hỗ trợ nhiều. Từ đó người dân có thông tin để kiến nghị.
“Luật khó nhưng phải có thông điệp cụ thể, phân rõ để đại biểu biết hội nào được cấp ngân sách, hội nào cơ cấu lại thì mới đảm bảo. Hiện nay đang giảm biên chế quyết liệt nhưng không rõ cái này thì rất khó. Luật không rõ thì địa phương lãnh đạo, chỉ đạo cũng khó”, đại biểu Huệ nêu quan điểm.
Đại biểu Phùng Văn Hùng cũng đề nghị hạn chế tối đa hội sử dụng ngân sách, “vì hưởng bao cấp làm cho anh xa rời trách nhiệm với hội viên. Dùng hội phí hoạt động thì trách nhiệm cao hơn”.
Còn theo đại biểu La Ngọc Thoáng- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Cao Bằng, về quản lý tài chính ở hội có vấn đề.
“Thời gian qua có hội được tài trợ từ tổ chức phi chính phủ, rồi kêu gọi này khác nhưng nguyên tắc quản lý chưa tốt dẫn đến nhiều vụ lình xình, kiện cáo, nhiều vấn đề mà chính quyền xử lý khó khăn. Đề nghị Luật đề cập thêm nhằm tạo điều kiện quản lý đảm bảo vì quy định như hiện tại còn chung chung”, đại biểu Thoáng nói./.