Cần thiết phải ban hành Luật về hội

Theo tờ trình dự án Luật về hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/9, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).

“Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và vai trò làm chủ của nhân dân được thể hiện trực tiếp trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Thái Bình nói.

nguyen_thai_binh_kwow_kcwa.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình 

Tuy nhiên, cho đến nay việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân vẫn còn chậm, phân tán, thiếu tính hệ thống và đồng bộ.

Tổ chức, hoạt động của các hội và công tác quản lý nhà nước về hội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với xu thế dân chủ hóa đời sống xã hội và hội nhập quốc tế.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật về hội.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, những nội dung quy định trong Luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Mặt khác, nội dung quy định cần đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Không để trông chờ vào tiền nhà nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đề nghị, phải có tiêu chí để phân loại hội để đảm bảo minh bạch. Sự phân loại không phải ý chí chủ quan mà luật quy định tiêu chí, như thế mới minh bạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Vấn đề hết sức quan trọng là tài chính, không nên cho rằng anh đang được cấp thì cứ cấp, còn anh sau thì hạ hồi phân giải. Lâu nay hội có tính đặc thù được Đảng, Nhà nước giao thêm một số nhiệm vụ thì được cấp kinh phí. Nhưng đặc thù đó cũng phải có tiêu chí vì nếu không lại diễn ra cơ chế xin cho. Hội này xin được thì hội kia cũng xin được, ông nào cũng muốn “néo” tí để liên quan ngân sách”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền 

Cho rằng lộ trình lấy thu bù chi nhưng mấy chục năm nay chưa thực hiện được, càng ngày càng lấy ngân sách, ông Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm: “Tính chất pháp quyền, minh bạch thì phải rõ về cơ chế tài chính, đặc thù cũng phải là luật chứ không thể đặc thù chung chung, vì như thế sẽ phụ thuộc ý chí chủ quan”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng chỉ cấp kinh phí cho hội được Đảng, Nhà nước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, còn lại phải phát huy vai trò tự chủ.

Nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các hội, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Nhiều đồng chí từ cơ quan quản lý hành chính nhà nước sang hội nên trách nhiệm với hội vẫn còn mức độ. Cứ gắn vào đặc thù để dựa dẫm vào Nhà nước thì tính chủ động của hội giảm đi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thành lập hội thời gian qua còn tràn lan, hoạt động không cao, hành chính hoá và dựa vào kinh phí nhà nước còn lớn.

“Luật phải phân loại hội và phải có tiêu chí để phân loại để quản lý thực hiện. Loại nào là do nhà nước, loại nào do dân tự nguyện lập ra từ đó thống nhất quản lý chứ không thể chung chung được. Về vấn đề khinh phí thì những tổ chức hội, cấp hội do Đảng, Nhà nước lập ra để hoạt động vì yêu cầu xã hội trong lĩnh vực nào đó thì bảo đảm kinh phí thế nào, loại hội tự nguyện thì tự đảm bảo chi phí hoạt động”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về chính sách tài cính, tinh thần phải nói rõ trong luật gắn với phân loại hội nào được nhà nước hỗ trợ, hội nào được cấp, hội nào được khoán, hội nào tự chủ. Như thế mới minh bạch, rõ ràng./.