Đáng chú ý là các Nghị quyết về kinh tế - xã hội – ngân sách; việc lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh; Chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cùng một số dự án luật quan trọng khác.
Những quyết sách kịp thời
Nợ công, nợ xấu, bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, tưởng lỡ hẹn lần nữa trong lộ trình tăng lương, nhưng ngay đầu tuần, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước, đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng lương ở mức 8% từ ngày 1/1/2015 cho ba nhóm đối tượng. Đó là những người hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc tăng lương tuy còn ở mức thấp, nhưng đã kịp thời, góp phần giải quyết khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài những chỉ tiêu quan trọng, trong đó GDP tăng 6,2%, điểm đáng chú ý trong Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2015 được Quốc hội thông qua là việc đưa người nghiện không có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cả nước hiện có hơn 204 nghìn người nghiện ma túy. Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy một thực trạng báo động, với hơn 19 nghìn người nghiện, tăng khoảng 7.000 người so với năm ngoái, trong đó hơn một nửa từ các nơi tràn về không có địa chỉ quản lý. Nhức nhối là vậy, nhưng từ đầu năm đến nay, chính quyền thành phố hầu như không đưa được người nghiện ma túy nào vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc do những bất cập trong quy định và do thiếu các văn bản hướng dẫn biện pháp cai nghiện tại cộng đồng.
Nghị quyết của Quốc hội đã cởi một “nút thắt” lâu nay khiến các địa phương lúng túng trong quản lý, xử lý người nghiện ma túy, ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự an toàn xã hội và cuộc sống an lành của người dân.
“Chấm điểm” quan chức và trăn trở với Long Thành
Lần thứ hai, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. So với lần trước, kết quả lần này nhiều chức danh đã được tín nhiệm cao của đại biểu, thể hiện sự cố gắng vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều đại biểu khẳng định, những người được lấy phiếu lần trước có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đã cố gắng khắc phục nhược điểm, tích cực lắng nghe và hành động, coi đó là bài học kinh nghiệm để vươn lên. Còn với những chức danh nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao, thời gian qua đã tiếp tục khẳng định rõ hơn năng lực hoạt động thực tiễn của mình.
Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, vào tuần tới Quốc hội dành ba ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Một lần nữa, cử tri lại được quyền “chấm điểm” các thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội, xem người chất vấn và trả lời chất vấn có thể hiện đúng tâm, đúng tầm và đúng ý nguyện của dân hay không?
Trăn trở với chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề: Sự cần thiết đầu tư dự án, nguồn vốn, hiệu quả khai thác sau đầu tư, thời điểm thực hiện và bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Có ý kiến đề nghị Quốc hội nên thông qua ngay chủ trương tại kỳ họp này mà không phải đợi đến kỳ họp sau để Chính phủ có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn. Song cũng không ít ý kiến đề nghị “lùi thêm thời gian” vì tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định bền vững, việc huy động các nguồn vốn chưa đủ tin cậy, chưa rõ ràng; hiệu quả khai thác sau đầu tư chưa thực sự thuyết phục.
Làm không tốt là có lỗi với dân
“Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã nhận được hàng trăm ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ. Nhiều ý kiến khác nhau về cách làm, nội dung, lộ trình thực hiện và cơ quan chủ trì Đề án.
Hầu hết ý kiến cho rằng, giáo dục phổ thông phải hướng tới truyền thống, nhân cách, thể lực, tình thương và lòng nhân ái. Nghĩa là giáo dục kỹ năng sống và học “làm người” trước khi học kiến thức. Muốn làm được phải giảm tải nhiều nội dung trong sách giáo khoa, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, các vùng miền khác nhau.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đề án đổi mới sách giáo khoa lần này sẽ bỏ cách viết theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều (thầy đọc - trò chép) sang cách tiếp cận mới là phát triển phẩm chất, nâng cao tính tự chủ và năng lực người học.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu thẳng thắn: chương trình sách giáo khoa đã thay đổi, cải tiến nhiều lần, nhưng có giai đoạn bị “cải lùi”; học quá tải, bệnh thành tích, nạn học thêm, dạy thêm tràn lan khiến nhiều cháu mắc bệnh do không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và thể thao. Mỗi chương trình, đề án đổi mới tốn hàng trăm tỉ, nhưng giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, dạy nhiều kiến thức xa vời không phù hợp, có nơi giáo dục bị thương mại hóa một cách vô tội vạ.
Nhiều ý kiến cho rằng: Đề án lần này nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, thiếu bàn thảo kỹ lưỡng và thiếu giám sát, sẽ “có lỗi với nhân dân, với nhiều thế hệ học sinh và có lỗi với tổ quốc”. Do có phạm vi điều chỉnh rộng, nhạy cảm, liên quan đến hàng chục triệu học sinh và gia đình Việt Nam, nên đúng vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Quốc hội sẽ thảo luận Đề án này một lần nữa tại phiên họp toàn thể và được phát thanh - truyền hình trực tiếp để cử tri cùng theo dõi.
Kỳ vọng của doanh nghiệp
Dự án Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được ví như những “người bạn đồng hành” có nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với tinh thần “được kinh doanh tất cả những ngành nghề luật không cấm”, hai dự án Luật có những đột phá trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; giảm cơ chế xin - cho và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp.
Nếu như trong Luật hiện hành, có 51 lĩnh vực, ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, thì dự án Luật doanh nghiệp lần này chỉ còn 6 (giảm tới 90%); có gần 390 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì nay còn lại hơn 270 (giảm tới 114 ngành nghề). Điểm đột phá nữa là Ban soạn thảo đã đưa vào Dự án luật danh mục cụ thể, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn thi hành sau khi Luật có hiệu lực.
Đối với Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) hầu như không còn thủ tục rườm rà, bởi sau khi đăng ký kinh doanh, các nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác, doanh nghiệp không phải chờ đợi lâu hoặc mất cơ hội do chưa có chủ trương của địa phương.
Hai “người bạn đồng hành” được nhiều đại biểu và doanh nhân kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh thu hút đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới.
Trong tuần, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến nhiều dự án Luật khác như Bộ luật dân sự; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế.
Trong tuần làm việc tới, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ đồng thời thảo luận và thông qua một số dự án luật. Đài TNVN sẽ tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn này./.