Ngày 15/11, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là cuộc kiểm chứng tính liên tục, bền vững về năng lực, phẩm chất của những người được tín nhiệm cao, đồng thời là dịp đánh giá sự nỗ lực khắc phục hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ của những cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp trong lần lấy phiếu trước. Cử tri kỳ vọng vào sự sáng suốt, công tâm của đại biểu trước lá phiếu tín nhiệm của mình, để Quốc hội thực quyền hơn và bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là cách đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của những cán bộ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Đây là dịp thích hợp để tìm về ý nghĩa đích thực của lá phiếu và trách nhiệm của những người nắm giữ nó.

Ngày 15/11/2014, lần thứ hai Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

Lá phiếu vốn có hai mặt. Một mặt thể hiện sự dân chủ và bình đẳng. Mặt khác cho thấy, không phải lúc nào cũng có thể công khai ủng hộ hoặc không ủng hộ ai đó, nhất là khi người bỏ phiếu phải chịu những áp lực nhất định và trong cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng sòng phẳng mọi chuyện. Vì vậy, một khi phải dùng lá phiếu để thể hiện mức độ tín nhiệm của mình về ai đó, thì chất lượng của lá phiếu phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết, động cơ, trách nhiệm và cái tâm của người bỏ phiếu.

Khi đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do mình đã bầu và phê chuẩn thì lá phiếu không còn là của chính họ, mà là của cử tri đã bầu ra họ. Vì danh dự và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội hãy thực sự công tâm để  lá phiếu của mình thể hiện đúng nguyện vọng của đa số cử tri mà mình đại diện. Với cử tri thì điều quan tâm lớn nhất của họ là những người được Quốc hội thay mặt mình bầu ra có xứng tầm không, có làm được gì cho dân, cho nước không?

Nhân thân, đạo đức tốt chỉ là "điểm cộng", chứ không thể là tiêu chuẩn mang tính quyết định làm nên một chính khách. Vì vậy, sẽ là tuyệt hảo nếu các đại biểu thật sự công tâm, đàng hoàng mà bỏ phiếu. Còn những người được lấy phiếu tín nhiệm thì hãy lấy đó làm vinh dự khi mình được đưa ra sát hạch trong sự quan sát, kỳ vọng của hàng chục triệu cử tri. Hãy cứ nhẹ nhàng tiếp nhận kết quả tín nhiệm. Dù cao hay thấp, thì hãy xem đó là chuyện bình thường trong xã hội.

Đây là lần thứ hai Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt. Nên được xem là lần xác tín tính bền vững về năng lực, phẩm chất của những người được tín nhiệm cao, đồng thời là dịp đánh giá lại mức độ chuyển biến của những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp từ lần lấy phiếu trước. Đó là việc làm cần thiết để Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với những cán bộ do mình bầu và phê chuẩn. Đó còn là để làm tốt công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI,  đồng thời là một kênh thông tin tham khảo quan trọng cho công tác nhân sự khóa tới của Đảng.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm hãy xem đây là thước đo sự hài lòng của dân đối với mình, phải biết bỏ qua mặc cảm nếu phiếu tín nhiệm chưa cao mà phấn đấu vươn lên, để chúng ta có đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, là những tấm gương về đạo đức công bộc của dân.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” là thực tế đã được chứng minh qua lịch sử dựng xây đất nước. Gần dân, nghe dân, vui cái vui của dân, buồn nỗi buồn của dân thì dân sẽ là tai, là mắt để đại biểu Quốc hội có được những thông tin xác thực từ cuộc sống. Khi đó, lá phiếu của các vị sẽ chứa đựng đầy đủ danh dự và trách nhiệm, trí tuệ và lương tâm người đại biểu của dân.

Dù vẫn còn ý kiến băn khoăn giữa “lấy phiếu” và “bỏ phiếu” tín nhiệm, nên lấy phiếu tín nhiệm hai mức hay ba mức… nhưng đây là một cuộc bỏ phiếu kép; giá trị lá phiếu của đại biểu quốc hội là niềm tin của cử tri, cũng còn là sự khẳng định với bạn bè quốc tế về không khí dân chủ trong hoạt động nghị trường của chúng ta. Vì vậy, nếu đại biểu Quốc hội làm méo mó giá trị những lá phiếu, tức là đã tự tước đi quyền lợi và quyền lực chính đáng của mình./.