Chiều nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi. Các ý kiến đều đặt vấn đề việc sửa đổi luật phải làm sao góp phần chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng và lãng phí hành chính công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, tinh thần Luật mới là phải theo Hiến pháp 2013: "Vấn đề đặt ra là Luật sửa đổi có tham gia phòng chống tham nhũng có hiệu quả cùng với các luật khác? Có chống được lãng phí hành chính công không;  ngăn chặn tái vi phạm, góp phần nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính Nhà nước hay không? Thời hạn kiểm toán phải theo tinh thần đổi mới làm thế nào cho minh bạch "

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu: "Muốn cải cách hành chính thủ tục theo hướng đánh nhanh, đánh gọn, rút nhanh chứ để lâu ngán lắm. Nhưng đọc Luật này tôi thấy chưa thấy nội hàm Luật vẫn chưa toát lên được".

uong_chu_luu_ejnj.jpgPhó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thực tế hiện nay quy định báo cáo kiểm toán sau khi có kết luận thì kiểm toán chuyển cho đơn vị được kiểm toán để phản hồi lại. Điều này có điểm tích cực là để bảo đảm khách quan nhưng cũng là một sơ hở. Vì trong thời gian đối tượng bị kiểm toán phản hồi lại dễ tạo ra khả năng "mặc cả với nhau", 10 biến thành 8, cái lớn biến thành bé. Do đó cần nghiên cứu kỹ để quy định cho chặt chẽ.

"Có trao đổi ngay trong quá trình kiểm toán chứ không phải kết thúc kiểm toán rồi giao lại đưa kết luận để phản hồi thì có khi mất thời và cơ chế này dễ tạo ra sơ hở"-Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu ý kiến.

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ quy định của Hiến pháp thì kiểm toán trực thuộc Quốc hội, hoạt động độc lập. “Vì vậy, giờ phải rà soát lại xem có những quy định nào không đảm bảo cho kiểm toán hoạt động độc lập", ông Lý nói.

Nêu thực trạng năm nào đọc báo cáo của kiếm toán đều cho thấy kiến nghị sai sót và vi phạm nhưng xử lý vi phạm chưa đến đâu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề Quốc hội cần phải chú ý vấn đề này để “đúng với vị trí của người đại diện cho nhân dân”.

“Kiến nghị xử lý của kiểm toán nhưng cơ quan bị kiểm toán không đồng ý thì ai đứng ra làm trọng tài để phán quyết? Vì vậy, vậy vai trò của Quốc hội phải được làm rõ thêm, cũng như kiểm toán phải đi đến cùng xem các kết luận của mình được thực hiện như thế nào"-ông Ksor Phước đề nghị./.