Khắc phục sẽ được tha án tử hình: Nên hay không?
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thiết kế theo hướng hạn chế hình phạt tử hình. Nhìn chung ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với xu hướng này, tuy nhiên số lượng tội danh bỏ hình phạt tử hình cần phải cân nhắc.
Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau và nhận được sự quan tâm của dư luận là quy định trường hợp không thi hành án tử hình với “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì không công bằng, sẽ khuyến khích người phạm tội chỉ khắc phục hậu quả khi bị kết án tử hình, dễ dẫn tới hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho rằng, trong điều kiện đang còn duy trì hình phạt tử hình thì việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình phải được cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ảnh minh họa: KT |
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khi bàn về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có ý kiến đề nghị nên ủng hộ xu hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; thậm chí có thể giảm nhiều hơn so với 7/22 tội danh như trong dự thảo.
Ngoài viện dẫn thực tế áp dụng ít, các ý kiến ủng hộ cho rằng quy định này sẽ góp phần thu hồi tài sản cho nhà nước.
Hiện nay tài sản tham nhũng trong các vụ án mới chỉ thu hồi được trên 10% và được đánh giá là khâu yếu trong phòng, chống tham nhũng, gây dư luận không tốt. Hơn nữa, tuy thoát án tử nhưng đối tượng vẫn phải lĩnh tù chung thân nên khó có khả năng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội.
Nghiêm trị nhưng phải tìm cách thu hồi tài sản
Rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả về bài viết “Thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn tử hình người phạm tội” đều bày tỏ không đồng tình với quy định tại khoản C điều 39 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Độc giả tên Thành nhấn mạnh đối tượng tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết pháp luật và quan trọng là biết rất rõ tác hại, hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế đất nước và uy tín với dân nhưng vẫn cố ý phạm tội thì không thể khoan nhượng với tội phạm này.
“Án tử vẫn giữ nhưng thu hồi tài sản thì vẫn tìm mọi biện pháp để thu hồi. Đây là trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. Đừng nên vì năng lực hạn chế, khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng mà nương nhẹ với tội phạm này!”, độc giả này bày tỏ.
Thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn tử hình người phạm tội?
Một độc giả khác thì cho rằng tham nhũng, về mặt kinh tế chính là cướp đi những đồng tiền do người dân một nắng hai sương cực khổ làm ra và gây ra hậu ảnh hưởng rộng lớn đến toàn xã hội. Về mặt chính trị, tham ô, nhận hối lộ như tiếp tay cho giặc, bởi làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Vì vậy cần xử nặng.
Bạn đọc Thanh Trần đặt vấn đề tại sao lại có việc chỉ thu hồi tài sản mà miễn án tử? Như vậy dễ khuyến khích thêm cho tội phạm này gia tăng, “hi sinh đồi bố củng cố đời con” để rồi hậu quả cuối cùng vẫn là người dân gánh.
Bạn độc Nguyễn Cường thì bày tỏ: Là con người không ai lại không sợ chết. Hình phạt tử hình với mục đích loại bỏ những người có tác hại lớn đến đời sống xã hội, an ninh quốc gia và răn đe những người còn lại. Nhưng phải căn cứ từng trường hợp cụ thể để ân xá không tử hình mà thu hồi tài sản cho nhân dân.
Luật pháp phải nghiêm minh thì dân mới chấp hành, nếu luật không nghiêm thì dân nhờn luật. Việc thực hiện luật cũng phải nghiêm thì mọi người mới thấy tác dụng của luật.
“Tham nhũng là quốc nạn và nếu không nghiêm dẫn đến tác hại khôn lường. Nhân ái là đúng nhưng tùy trường hợp”, bạn đọc Nguyễn Cường viết./.