Cho ý kiến về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phiên họp ngày 6/10, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này; đồng thời lo ngại các quy định về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm quy định về chống trợ cấp, chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Ảnh: quochoi.vn) |
Điển hình như, Bộ Tư pháp cho rằng, hầu hết các vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nằm ở khâu triển khai thực hiện, chứ không phải do thiếu cơ chế, chính sách. Do đó, Chính phủ chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định mà không cần thiết ban hành Luật này. Bộ Tài chính thì bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ về thuế. Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ. Theo Bộ Công thương, nếu áp dụng các quy định như dự thảo Luật thì trên thực tế có thể bị các nước thành viên kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động lại rất khả quan, khác xa so với thực tế. Theo báo cáo đánh giá tác động, nếu áp dụng các quy định của Luật, đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tăng thu cho ngân sách 260.500 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, hiện nay, trong số 480.000 doanh nghiệp đăng kí thì thực tế chỉ có 45% đang hoạt động. Không ít doanh nghiệp “ma”, đăng kí thuế, mua hóa đơn để kinh doanh, rút tiền của ngân sách.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ, việc ban hành Luật có cần thiết không, có bị chồng chéo với các Luật khác không? Trong nền kinh tế thị trường, các loại hình doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng. Vậy, nếu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, liệu có tạo ra sự bất bình đẳng? Các biện pháp hỗ trợ được quy định trong dự thảo Luật có phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và có đúng nguyên tắc của thương mại quốc tế không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Câu hỏi lớn nhất là quan hệ giữa Luật này với các dự án Luật khác, cụ thể nhất là Luật Doanh nghiệp vừa ban hành. Chưa nói đến chính sách hỗ trợ quy định trong Luật này đặt trong mối quan hệ giữa các luật khác như thế nào như Luật ngân sách nhà nước, các luật thuế, luật đầu tư,… Hơn nữa là tác động của dự án Luật này đối với kinh tế và tài chính ngân sách.
Giải trình băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong quá trình soạn thảo, có rất nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, song sau đó Chính phủ đã thống nhất quan điểm về sự cần thiết ban hành Luật này.
Về tính khả thi của Luật, Bộ trưởng cho rằng, khi doanh nghiệp phát triển không chỉ đóng góp thuế cho ngân sách mà còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế. Còn nếu chỉ tiếp cận trên quan điểm Nhà nước phải hỗ trợ bằng nguồn lực và làm giảm thu ngân sách thì cách tiếp cận này chưa toàn diện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, hiện nay, các điều khoản quy định của dự thảo Luật không mâu thuẫn với các cam kết hội nhập./.