Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường hôm nay (16/6), quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, hướng giảm án tử hình là phù hợp với xu thế chung, đúng với quan điểm cải cách tư pháp của Đảng. Hơn nữa, pháp luật nước ta vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trừng trị, răn đe và phòng ngừa, nên đối với tội phạm kinh tế hay tội phạm chức vụ, nếu người phạm tội khắc phục được hậu quả thì nên cho họ cơ hội sống.
Không hay gì khi tước mạng sống một người
Liên quan quy định đến án tử hình,dự thảo luật do Chính phủ trình đề xuất 3 hướng: Giảm những điều luật có quy định án tử hình; tăng cường các điều kiện có thể hạn chế việc thực hiện án tử hình và quy định khi đã tuyên án án tử hình thì cũng đưa ra một cơ hội để người phạm tội có thể giữ lại mạng sống.
Theo đó, với những trường hợp tuyên án tử hình nhưng trong quá trình chờ thi hành án, người đó có lập công hay khắc phục cơ bản những thiệt hại do hành vi của mình gây ra thì có thể được xem xét để chuyển án tử hình xuống tù chung thân.
“Nhưng điều đó không phải cứ có tiền thì anh được trắng tội”, đại biểu Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng |
Theo đại biểu, không hay gì khi tước bỏ mạng sống của một con người. Thực ra đó là một sự đau đớn cho chính người phạm tội, cho thân nhân của họ và cho cả xã hội.
“Xử lý các tội về kinh tế, mục đích sâu xa là làm sao tước bỏ mọi lợi nhuận, lợi ích phi pháp mà đối tượng phạm tội đã đạt được, thu về cho ngân sách Nhà nước hoặc trả lại cho người bị xâm hại, chứ không phải chỉ là trừng trị người vi phạm”, đại biểu Hồng nêu quan điểm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của của Quốc hội, pháp luật nước ta vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trừng trị, răn đe và phòng ngừa, nên đối với tội phạm kinh tế hay tội phạm chức vụ, nếu họ khắc phục được, “cải tà quy chính”, ăn năn hối cải, thậm chí lập công thì cũng nên cho họ một con đường sống. Đó cũng là một hướng nhân đạo.
Đại biểu phân tích: “Về khả năng tái phạm cũng không đáng lo bởi người phạm tội tham nhũng, chức vụ một khi đã rơi vào vòng tố tụng thì thân bại danh liệt, khó có thể trở lại cương vị như cũ để tiếp tục phạm tội. Nói thế không có nghĩa họ thoát tội, bởi khi không lĩnh án tử hình, họ vẫn phải chịu tù chung thân - một hình phạt cũng hết sức nghiêm khắc”.
Dự thảo luận sửa đổi lần này cũng bổ sung thêm một số tội danh về chức vụ được áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Theo ông Nguyễn Công Hồng, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, giảm án tử hình là những chủ trương lớn của Đảng trong cải cách tư pháp. Nhưng để bố trí những hình phạt này vào những tội danh nào, vào những hành vi phạm tội cụ thể nào thì cần phải cân nhắc kỹ.
“Cũng có dư luận cho rằng nếu bổ sung hai hình thức này vào chương Tội phạm về chức vụ thì không đảm bảo tính nghiêm minh, vì người có chức vụ càng cần phải xử phạt nặng hơn. Theo quan điểm của tôi, luật pháp tốt là một chuyện, nhưng quan trọng hơn lại là con người. Tội phạm xảy ra muôn hình vạn trạng, sự vụ cụ thể không giống nhau, nên hình phạt càng phong phú thì khả năng lựa chọn chính xác để quyết định về hành vi càng tốt hơn”, ông Hồng nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng lưu ý, nếu trên thực tế áp dụng luật không đảm bảo thực thi nghiêm minh thì có người sẽ vận dụng tùy tiện. Việc bổ sung hai hình phạt này vào ở một mặt nào đó có thể sẽ là kẽ hở để một số người lợi dụng nhằm giảm nhẹ tội.
Phải cụ thể hóa hành vi tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh, những quy định trong luật là công cụ pháp lý đóng góp vào đấu tranh có hiệu quả tội phạm tham nhũng, nhưng nó không phải là duy nhất, cũng không phải là liệu pháp có thể trị bách bệnh mà cần nhiều yếu tố khác.
Điều quan trọng là dự luật lần này phải làm sao cụ thể hóa được hành vi tham nhũng và các tội danh về tham nhũng, nêu rõ ràng các yếu tố cấu thành để có thể áp dụng trên thực tế.
“Khi luật hóa một hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi vi phạm thì phải tổ chức thi hành cho đến nơi đến chốn. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hay không nằm ở chỗ các hành vi tham nhũng đưa ra đã chính xác, tội danh đã đầy đủ, cụ thể để cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng một cách thuận lợi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay chưa. Nếu có rồi thì phải quán triệt làm sao thực hiện cho triệt để”, đại biểu Hồng nói.
Ảnh minh hoạ: Internet |
Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Nguyễn Công Hồng băn khoăn về quy định “khắc phục cơ bản hậu quả” khi xem xét giảm án tử hình với tội phạm về kinh tế. Bởi lẽ, nội dung quy định này còn thiếu cụ thể có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không bảo đảm tính khả thi.
Chúng ta tin tưởng vào sự phán quyết công minh của tòa án, của người thẩm phán. Tuy nhiên, luật phải tạo điều kiện cho tòa đưa ra phán quyết bằng cách quy định rõ hơn, vì nếu không có những tiêu chí, định lượng cụ thể thì thẩm phán cũng rất khó xác định.
“Quan điểm của người này cho như thế là cơ bản, còn người khác lại không. Điều đó dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, mà pháp luật nói chung và đặc biệt pháp luật hình sự nói riêng phải đảm bảo tính công bằng, không thể hai trường hợp tương tự lại được đánh giá và áp dụng khác nhau thì không được”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ quan điểm trên, ông Hồng cho rằng dù khó nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo phải cố gắng càng cụ thể được tiêu chí thế nào là cơ bản thì càng tốt. Nếu luật quy định chung chung, dựa hẳn vào sự công tâm của thẩm phán, để cho thẩm phán quyết thì vừa “làm khó” cho thẩm phán, vừa không thể tránh khỏi sự tùy tiện trong quá trình phán xét./.