Dư luận lo ngại nếu không đánh giá được thực chất kê khai tài sản thì chống tham nhũng vẫn chỉ là hình thức. Nếu coi kiểm kê tài sản là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng thì bắt buộc phải có luật.

 

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN về lo ngại này, bà Đào Nga - Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, cho rằng vấn đề mấu chốt không phải là việc ban hành một văn bản luật mới mà là tiến hành thực hiện một cách có hiệu quả các văn bản hiện hành.
ba_nga_2_qtgx.jpg
Bà Đào Nga - Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam

Theo bà Nga, có thể nói đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định công khai rộng rãi thông tin về tài sản và thu nhập, người dân không được tiếp cận với các thông tin này và các bản kê khai chưa được thẩm định.

Bà Nga cho rằng, để việc kê khai và công khai tài sản có thể phát huy vai trò như một công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng cần đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát của người dân thông qua việc quy định công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…

PVDự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Bộ luật sửa đổi này có những quy định, chế tài mới chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn để có thể phòng chống hiệu quả nạn tham nhũng. Theo bà, dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) lần này có đáp ứng được những kỳ vọng của dư luận?

Bà Đào Nga: Dự thảo BLHS (sửa đổi) có tổng số 443 điều, tăng 99 điều so với BLHS hiện hành, trong đó có những quy định mới như việc mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ bao gồm các hành vi tội phạm về chức vụ trong khu vực tư như: tội tham ô tài sản (Đ.366), tội nhận hối lộ (Đ.367), tội đưa hối lộ (Đ.377) và tội môi giới hối lộ (Đ.378); hay các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ (Đ.367) và tội đưa hối lộ (Đ.377).

Đặc biệt, trong chương Các tội phạm về chức vụ, hình phạt Cải tạo không giam giữ đã được bổ sung, trong đó có hình phạt Cải tạo không giam giữ đối với Tội phạm tham nhũng tại Đ.366-368, Đ.370-372; đối với Tội phạm chức vụ khác tại Đ.377 và Đ.378; hay tăng mức phạt tiền tại Đ.366 và Đ.370.

Với những đề xuất thay đổi quan trọng kể trên, tôi tin rằng dự thảo lần này sẽ phần nào đáp ứng được kỳ vọng của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng trước tình hình tội phạm tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, cũng như yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên.

PVLà một tổ chức hoạt động vì mục tiêu góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng, bà có khuyến nghị gì đối với Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) để có thể phòng chống hiệu quả nạn tham nhũng?

Bà Đào Nga: Tổ chức Hướng tới Minh bạch đã gửi bản khuyến nghị chi tiết đến các cơ quan liên quan của Quốc hội và một số Đại biểu Quốc hội về dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong đó có 4 khuyến nghị quan trọng đối với dự thảo lần này, cụ thể như sau:

Đổi tên Chương XXI của BLHS (hiện hành) từ “Các tội phạm về chức vụ” thành “Các tội phạm tham nhũng và chức vụ” và bố cục lại Chương này; Mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư; Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; Bổ sung vào BLHS 5 hành vi tham nhũng đã được quy định tại Điều 03 – Luật phòng, chống tham nhũng. 

PVTham nhũng chủ yếu tập trung ở một bộ phận cán bộ có chức quyền. Có ý kiến cho rằng nếu không đánh giá được thực chất kê khai tài sản thì chống tham nhũng vẫn chỉ là hình thức. Nếu coi kiểm kê tài sản là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng thì bắt buộc phải có luật. Bà bình luận gì về ý kiến này?

Bà Đào Nga: Cho đến nay, có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã khá đầy đủ bao gồm:

Luật phòng, chống tham những 2005 sửa đổi năm 2012 (Mục 4 – Minh bạch tài sản, thu nhập: Điều 44 – Điều 53);

Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập;

Thông tư 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Hiện nay, đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang nặng tính hình thức, nên việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động trong việc tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, công chức và đảng viên. Vấn đề mấu chốt không phải là việc ban hành một văn bản luật mới mà là tiến hành thực hiện một cách có hiệu quả các văn bản hiện hành. Đặc biệt, có bản kê khai rồi nhưng pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định công khai rộng rãi thông tin về tài sản và thu nhập, người dân không được tiếp cận với các thông tin này và các bản kê khai chưa được thẩm định.

Tôi cho rằng, để việc kê khai và công khai tài sản có thể phát huy vai trò như một công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng thì cần thêm một số giải pháp cụ thể: Đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát của người dân thông qua việc quy định công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; Ban hành quy định cụ thể về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ, công chức; Xây dựng cơ chế để xác minh và kiểm chứng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; Xây dựng cơ chế xử lý đối với việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ, công chức; Xúc tiến việc xây dựng cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức.

PVNhiều ý kiến lo ngại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thể khiến người đứng đầu cơ quan lợi dụng, có “cớ” để tham nhũng?

Bà Đào Nga: Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ năm 2013, trong 10 năm qua, nước ta đã thực hiện tinh giản biên chế 3 lần nhưng số biên chế và số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước vẫn tăng đáng kể và bộ máy Nhà nước ngày càng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả.

Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ: việc tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên sẽ tạo điều kiện để cho các cán bộ có năng lực và tích cực với công việc được tiếp tục cống hiến, loại bỏ các cán bộ yếu kém, không quan tâm đến chất lượng công việc.

Nghị quyết cũng quy định rất rõ về số lượng cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng mới tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị: không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế; và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Quy định cụ thể này giúp tránh tình trạng tuyển dụng ồ ạt, không đúng đối tượng hoặc lạm dụng việc tuyển dụng để trục lợi của một số đối tượng cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn.

Tôi cho rằng, để đảm bảo Nghị quyết được thực hiện hiệu quả và không tạo điều kiện cho tham nhũng, cần lưu ý và qui định các vấn đề sau:

Qui định tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức để tinh giản biên chế một cách hiệu quả, tránh được sự không công bằng giữa các cơ quan, các địa phương và các đơn vị;

Qui định những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực sẽ được tập trung tinh giản biên chế;

Xây dựng bộ tiêu chí tuyển chọn, đánh giá từng chức danh của cán bộ, công chức, viên chức khi tiến hành tuyển dụng mới;

Qui định vai trò, trách nhiệm và tính khách quan của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc tiến hành đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhắc tới;

Qui định cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong trường hợp không thực hiện đúng kế hoạch, tỷ lệ tinh giản hàng năm.

PVXin cảm ơn bà./.